Khoá 25 (1968-1972) Quyết Chiến Tất Thắng

Testing ...

Thursday, November 11, 2021

Hoài Niệm Một Người Bạn

Liên Nguyễn (Facebook): Xin gửi đến các cựu Sinh Viên Sĩ Quan Khóa 25 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam một bài viết về người bạn: Anh Phan Đạm Tín của chị Hoàng Thị Mỹ Đức.
(Riêng tặng Thanh Hương)


Tháng bảy mưa ngâu cũng là mùa Vu Lan nên không gian và cảnh vật thường mang vẻ buồn tẻ . Chắc bởi ảnh hưởng đó mà trong vòng một tuần tôi nhận liên tiếp những tin buồn trong thân tộc và bạn bè.

Đã hơn năm nay tôi không gặp Tín dù cứ mỗi lần gặp người thân quen của Tín hay qua bạn bè chúng tôi luôn hỏi thăm nhau. Rồi một buổi trưa thứ ba nhận được tin Tín bỏ bạn bè ra đi đột ngột, tôi sững sờ không tin đó là sự thật. Vậy là từ nay chúng tôi sẽ không còn dịp cùng nhau trao đổi trò chuyện hay đôi lúc bị bịnh nhờ Tín đến chữa bằng nhân điện.

Tôi không học Nguyễn Du cùng với Tín như Thanh Hương, Hoàng Cần hay Phương Lan nhưng chúng tôi quen mặt nhau qua những mùa học hè từ thuở Đệ Lục cho đến lớp cuối trung học phổ thông. Trên đoạn đường Bạch Đằng, Tín thường có mặt tại nhà Chế Quan Thanh Liêm với đám bạn trai như Nguyễn Khoa Huân, Chế Bồng Nga cùng đứng nhìn thiên hạ nhất là nhìn mấy cô Đồng Khánh đi học. Tuy khác trường nhưng cùng lứa nên những khuôn mặt đó không còn lạ lùng gì với chúng tôi nữa, hầu như thấy đó là những người bạn mà trong tương lai sẽ quen biết mà thôi. Đúng vậy, chúng tôi  chưa hề một lần nào nói chuyện với nhau trong suốt khoảng thời gian dài của thuở hoa niên kể cả khi biết Tín đã vào được Quốc Học. Vậy mà mãi mấy chục năm sau, cuộc đời qua bao nhiêu biến đổi, tình cờ gặp lại chúng tôi thấy như đã thân nhau từ dạo ấy. 

Tôi đã thấy Tín như vậy đó, từ thời nhỏ cho đến tận bây giờ. Tín kể cho tôi nghe thời gian học Võ Bị ở Dalat. Tôi hơi ngạc nhiên vì hầu như ở Tín không có nét nào của dân võ biền vào ra nơi chiến trận. Nơi người bạn trai này, đám bạn gái chúng tôi luôn thấy sự chân chất đầy nhiệt tình, bao giờ cũng vui tươi với nụ cười hiền hoà, thân thiện. 
 
Có lẽ  cùng chung một quê hương, chung một nền giáo dục, chung bạn bè và vì Tín còn độc thân nên chúng tôi dễ thân thiết nhau hơn mà không ái ngại. Chúng tôi luôn quí nhau coi như hai người bạn không phân biệt khác phái để trao đổi về mọi chuyện từ tôn giáo, văn học, y học cho đến mọi vấn đề khác trong cuộc sống. Và cũng có lẽ vì khá thân nhau nên dù bẵng đi một thời gian dài hơn cả năm không gặp mà tôi vẫn thấy như  bạn vẫn đâu đó gần mình. Có lẽ Tín cũng vậy!

Tội nghiệp, thương xót cho bạn tôi ! Ra đi trong lứa tuổi này cũng gọi là quá sớm với một đời người. Tín ra đi vào trưa thứ ba đầu mùa trăng Vu Lan, nào chỉ riêng những người thân, bạn bè thương tiếc mà ngay cả trời đất cũng xót xa - mưa thật lớn ướt sũng cả bầu trời! Những người đến tiễn đưa ngoài thân nhân trong gia đình còn có cơ quan nơi Tín đang làm việc. Bản điếu văn mà họ đọc trước giờ chia tay cho thấy bạn tôi đã làm tròn trách nhiệm về công việc được giao phó, dành được sự tin cậy và được khen ngợi trong công việc, cũng  xứng đáng với Tín là người được đào tạo từ môi trường giáo dục cũ.

Nhóm bằng hữu Võ Bị khóa 25 đã thay nhau túc trực với Tín trong mấy đêm ngày cuối cùng đầy tình nghĩa nói lên tình huynh đệ đồng môn thắm thiết cho dù thế sự thăng trầm đến với mỗi người.

Tôi tìm quanh, không thấy bóng dáng Thanh Hương, người bạn gái mà Tín gặp lần chót như thăm hỏi cho yên lòng trước lúc đi xa vào buổi sáng Chủ Nhựt cuối cùng đó. Có lẽ Thanh Hương tránh xúc động nên đã không đến đưa tiễn. Có lẽ  Thanh Hương cũng biết một cách chắc chắn rằng dù không đến thì Tín vẫn hiểu tất lòng của Thanh Hương dành cho Tín. Cơn mưa này quá nhỏ so với nỗi thương tiếc vô hạn của người bạn gái, thân nhau, học cùng nhau với Tín từ tấm bé cho đến bây giờ khi cả hai tóc đã ngã màu. Không phải vì yếu đuối, nhưng tôi nghĩ Thanh Hương sợ phải thấy cảnh chia tay trước khi Tín trở về với cát bụi. Sợ ám ảnh trong đời sống vốn cô quạnh của mình là điều không ai có thể trách được. Phải chi có Hoàng Cần ở đây thì có lẽ cô bạn này ít nhiều đem cho Tín sự ấm áp lúc ra đi để bù lại sự vắng bóng của Thanh Hương. Tôi được nghe Hoàng Cần tuy ở xa nhưng khi nghe tin Tín đột quị thì đã khóc rất nhiều. Phải vậy thôi ! vì Hoàng Cần dành cho Tín rất nhiều tình cảm, thậm chí còn có lời đề nghị làm giấy tờ để mang Tín đi nước ngoài, nhưng vì trót mang kiếp đơn độc nên Tín từ chối. Dù thế, đối với người bạn gái xinh đẹp này bao giờ Tín cũng  dành tất cả những ưu ái khi Hoàng Cần cần đến sự giúp đỡ trong những ngày về thăm quê hương.

Còn những ai nữa trong số những cô gái, những thiếu phụ từng thương quí Tín. Nghe gia đình nói có một thiếu phụ cùng con gái đã khóc sướt mướt trong buổi sáng nhìn Tín lần cuối cùng. Hình như đó là hai mẹ con mà Tín đã từng chữa lành bịnh cho họ. Rồi một cô gái khác tôi biết qua hai lần gặp ngắn ngủi, có lẽ cô gái này đã dành cho Tín quá nhiều tình cảm đặc biệt, trên nét mặt người con gái hiện rõ sự đau thương nhưng có ai dám chia sẽ nỗi niềm đơn phương này!  

Tôi biết Tín đang đứng đó, đang nhìn thấy hết những người thân, bạn bè đến với mình. Nhìn và hiểu tấm lòng của mỗi người dành cho Tín sâu sắc đến đâu.

Tín ơi, bạn đối với mọi người bao giờ cũng nhẹ nhàng nên khi chia tay ra đi bạn cũng thật thanh thản. Nụ cười, ánh mắt hiền hoà vẫn còn đó phải không Tín khi nhìn xuống sự quay cuồng vội vã của thế gian mà các bạn Tín đang phải trôi theo vòng cuốn đó. Mong rằng trong cõi siêu hình miên viễn kia Tín sẽ gặp lại những người thân yêu ruột thịt, gặp lại bạn bè cùng khoá đã đi trước và họ đang chờ đón Tín với tình cảm tràn đầy như bạn bè nơi đây.

Viết xong ngày 13.8.05
Hoàng Thị Mỹ Đức


Monday, September 27, 2021

SỐNG CÒN VỚI COVID - CSVSQ Quan Minh Tấn K25

 LGT: Xin giới thiệu bài viết SỐNG CÒN VỚI COVID của CSVSQ Quan Minh Tấn K25 để chia sẻ những kinh nghiệm và sức phấn đấu của bạn đối với căn bệnh dịch quái ác đầy nguy hiểm của thế kỷ mà bạn đã trải qua trong thời gian gần đây. Thân chúc bạn sớm hồi phục sức khỏe - Dalat25

                                                          ****

 

Hôm nay tôi muốn kể lại một mảng đời thật mà tôi vừa trải qua, một mảng đời ghi lại một trận chiến đánh trả cam go với Covid , một mảng đời chống cự lại cơn bạo bệnh lịch sử hiện đại của nhân loại mà một con người nhỏ bé như tôi đã đối diện suốt 2 tuần lể tại bệnh viện Torrance Memorial Hospital và hậu quả chưa hoàn toàn chấm dứt sau khi rời khỏi bệnh viện.
Những dòng này chỉ cốt chia sẻ kinh nghiệm cũng như ghi lại một quảng thời gian ngắn đó của đời tôi.

Từ nhỏ tôi đã từng nghe Andre Gide, một nhà văn Pháp, nói rằng "La vie ne vaut rien mais rien ne vaut une vie", có nghĩa rằng cuộc đời không đáng giá gì cả nhưng không có gì đáng giá bằng cuộc đời. 

Hay như nhà văn Mỹ Ernest Hemingway đã viết "But man is not made for defeat. A man can be destroyed but not defeated." có nghĩa rằng con người có thể bị tàn tạ nhưng không nào bị khuất phục.

Nêu ra 2 câu nói này tôi muốn nói đến ý chí đã dẩn dắt tôi vượt qua bệnh tật mấy ngày vừa qua. 

Trong giấy xuất viện của tôi ngày 16 tháng 09 năm 2021, bệnh viện ghi rỏ "You have been treated for corona virus and respiratory failure" và không muốn mất thì giờ, đây là những gì tôi muốn kể lại. Ngày 2 tháng 8 khi gia đình của em vợ tôi có kết quả dương tính với virus Sars-coV-2, dù không ở chung một nhà nhưng vợ chồng tôi cùng đi test Covid ở clinic gần nhà. Hai ngày sau, kết quả âm tính.Yên tâm ! 

Sáng ngày 27 tháng 8, tôi linh cảm một điều gì không lành khi nghe đau ran ở cổ họng. Lập tức tôi đi lấy test Covid nhưng lần này tôi phải đợi 5 ngày mới có kết quả  vì số lượng người đi thử rất đông. Tôi nghĩ rủi ro có bị dương tính chắc hẳn họ sẽ báo cho mình sớm hơn qua điện thoại hay E mail.

Ngày 28 tháng 8, tôi cảm thấy nhức đầu và kéo dài liên tục đến vài ngày sau và chỉ tạm thời yên ổn khi dùng Tylenol 500mg. Nhiệt độ đo bằng nhiệt kế digital dưới 99 độ F.

Ngày 29 tháng 8, tôi cảm thấy thêm triệu chứng ớn lạnh(chilly). Buổi chiều bà xã tôi cho xông hơi lần thứ 1.

Ngày 30 tháng 8 tình trạng không suy giảm. Buổi chiều xông hơi lần thứ 2 và uống Tylenol 500 mg cầm cự tránh sốt.

Ngày 31 tháng 08, tiếp tục nhức đầu và mệt mỏi.Vẫn chưa có kết quả Covid test.Tôi gọi cho bác sĩ gia đình để khai bệnh nhưng do không sốt cao, bác sĩ cho rằng chưa chắc bị nhiễm Covid.Tiếp tục xông hơi lần thứ 3.

Ngày 01 tháng 9 tôi cảm thấy ăn không còn ngon miệng , con tôi mua cho tô bò kho chỉ ăn được vài miếng dù rất đói.Tôi gọi điện thoại và E mail cho clinic để hỏi kết quả nhưng không thấy hồi đáp.Tiếp tục xông hơi lần thứ 4.
Diển biến phức tạp bắt đầu :

Sáng ngày 2 tháng 9, dù chưa bị khó thở nhưng tôi quyết định đi cấp cứu vì hai lý do: không ăn uống được và không ngũ được. Bà xã tôi đưa tôi đến Emergency  Room của bệnh viện Torrance Hospital ở thành phố Torrance, CA lúc 5 giờ 11 phút sáng.Y tá trực làm thủ tục sơ khởi và đưa tôi vào giường bệnh đồng thời yêu cầu bà xã tôi ra về. Phải đến 2 tuần lể sau mới gặp lại, xem như cách ly từ giây phút đó.
Các con số bệnh lý ban đầu ở Emergency  Room:

- Nhiệt độ 103 độ F(39 độ 4 C)

- Huyết ấp cao 150/90

Phòng cấp cứu tiến hành thử máu, chụp hình phổi, thử Covid test. Bác sĩ trực đến nghe phổi và tim và hỏi một vài câu hỏi như có travel đâu không hay các triệu chứng tôi cảm nhận vài ngày qua.
Khoảng hơn 08 giờ sáng, bác sĩ trực trở lại trịnh trọng nói với tôi rằng " Mr. Quan, chúng tôi vừa mới gọi điện thoại cho bác sĩ Nam Lai, là bác sĩ gia đình của ông, và đã báo cho ông ấy biết ông đã có kết quả dương tính với Covid! Chúng tôi đang
làm thủ tục nhập viện để bắt đầu điều trị bệnh cho ông ".

Tôi nghe tin này thật sửng sờ, cảm thấy một bầu trời đen tối đang sụp đổ trước mặt tôi.Tại sao tôi có thể nhiễm virus Sars-coV-2 khi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ như chích ngừa 2 lần, đeo mask ở nơi công cộng hay rửa tay hand sanitizer thường xuyên.

Khoảng 8 giờ 30 phút tôi được chuyển đến phòng 3101(lầu 3 của bệnh viện) thuộc khoa nhiễm trùng để khởi đâu trị bệnh. Phòng bệnh khá rộng rải với 1 giường bệnh và một ghế dựa, 1 restroom, 1 monitor cho y tá và ngay trước mặt trên tường có sẳn TV được điều khiển chung cùng một remote gọi y tá khi cần. Cả giường bệnh và ghế dựa đều gài alarm để bệnh nhân không được tự tiện bước xuống đất mà phải gọi y tá để được giúp đở. Lúc đầu chưa biết, có lần tự động đứng dậy đi tiểu alarm kêu inh ỏi khiến y tá hối hả chạy đến xem chuyện gì đang xảy ra.Tôi phải xin lổi họ vì hành động này.
Nói về đội ngũ y tá ,mổi ca trực có 2 người, một RN(Registered Nurse) và một Assistant Nurse, họ rất tốt, ân cần và nhiệt tình vui vẽ. Khi tiêm chích hay cho uống thuốc, họ đều thông báo đó là thuốc gì và công dụng của từng loại thuốc.
Bác sĩ điều trị ở khoa nhiễm trùng gồm 3 người :
- Dr. Kevin Mak: bác sĩ nội trú bệnh viện.
- Dr.Vladimir Labalo: bác sĩ chuyên khoa bệnh nhiễm trùng
- Dr.Eric Milefchik: bác sĩ chuyên khoa bệnh nhiễm trùng.

Đặc biệt có một lần bác sĩ Milefchik đã đến khám phổi và tự tay ông đã tiêm insulin và steroid , cho tôi uống thuốc buổi sáng vốn dĩ đó là công việc của y tá.
 Các con số ban đầu ở phòng 3101
 -  Đường huyết 308
 - Huyết áp 150/85
 - Oxy 95%
Phương cách điều trị: Bác sĩ quyết định chuyền 5 liều Redemsivir (200 mg/ngày) trong 5 ngày từ 2 đến 6 tháng 9. Đây là liều lượng tối đa cho một bệnh nhân Covid, thuốc được vô bằng đường tỉnh mạch và kéo dài hơn một tiếng cho một lần. Các loại thuốc khác hổ trợ thêm gồm: Steroid tiêm 2 lần/ngày để chống đông máu, chống viêm được tiêm vào bụng, Insulin 4 lần/ngày vào sáng, trưa, chiều và tối gồm 1 mủi vào bụng và 1 mủi và tay cho mổi tiêm. Ngoài ra tiếp tục uống thuốc huyết áp, thuốc giảm cholesterol, thuốc nhuận trường và pepcid. Ngày 07 và 12 tháng 9 được tiêm 2 liều Lasix để tăng lượng nước tiểu.
Trong suốt thời gian nằm viện được chỉ định chụp X ray thêm 2 lần vào ngày 5 và 8 tháng 9 để xác địng có bị pneumonia hay không.

Ăn uống theo tiêu chuẩn consistant carbonhydrate  như hạn chế  ăn  cơm ,bánh mì trắng, khoai tây, kẹo bánh ngọt....Hằng ngày tôi phải gọi order ăn sáng, trưa và chiều 3 lần để đặt món ăn căn cứ vào menu của bệnh viện gồm 1 món ăn chính, 2 món ăn phụ, 1 món trái cây và 1 món uống. Thức ăn nấu cũng khá ngon miệng mà trong đó có 3 món mà tôi thích là: Tofu Stir Fry (đậu hủ xào rau cải), cá salmon chiên và pasta (mỳ ống ).
Đường huyết thay đổi liên tục dao động từ 160 đến 280 , không lần thử nào giống nhau và được check trước mổi bửa ăn.
Bắt đầu từ ngày 4 tháng 9 trở đi ,tôi không còn sốt và những cơn nhức đầu bị đẩy lùi.Đồng thời huyết áp trở lại bình thường và ổn định.Tuy nhiên độ oxy trong máu giảm mạnh.Tôi luôn cảm thấy khó thở hơn , không thể nào hít một hơi dài như trước.Độ oxy trong máu là  một yếu tố duy nhất y tá theo dỏi 24/24 và cứ mổi lần oxy tuột dưới 90% là máy kêu lên liên tục cho đến khi phục hồi trên 90%.
Trưa ngày 4 tháng 9 sau khi ăn trưa xong, toàn thân tôi mệt mỏi , hơi thở ngắn (short of breath ), oxy giảm dưới 90 % , y tá bắt đầu cho tôi thở oxy trợ lực qua ống cao su vào mũi với lượng 6 lit/phút.Tình trạng này kéo dài liên tục đến ngày 11 tháng 9. Đôi khi, nhất là phải đứng dậy đi tiểu , y tá phải chụp thêm mặt nạ để tăng cường vì thở qua ống cao su không đủ.Từ ngày 11/09 hơi thở có khá lên nên y tá giảm xuống 4 lít/phút, sau đó 2 lit/phút vào ngày 13/09 và đến ngày 15 /09 chỉ còn 1 lít/phút qua đường mũi.
Khoảng thời gian 7 ngày trên là thời gian chiến đấu gian nan để giành giựt từng hơi thở với corona virus căng thẳng nhất. Có trải qua nổi khổ này mới biết tinh thần mình mau suy sụp, mất phương hướng dễ dàng. Muốn lượng oxy ổn định, y tá bắt buộc tôi phải nằm sấp (prone position) không được nằm ngửa. Suốt từ sáng đến tối , tôi phải nằm tư thế này trừ giờ ăn. Điều đó làm tôi khó chịu vô cùng vì giường bệnh nằm ngang không thoải mái cho tư thế nằm sấp và các ngón tay luôn bị tê. Cả ngày lẫn đêm không được nghĩ ngơi thoải mái nên con người hoàn toàn kiệt quệ, ý chí tuột dốc, nhất là về đêm, nằm một mình trong bóng tối, tôi đã có ý định buông xuôi, bỏ cuộc.
Xin mượn hai câu thơ truyện Kiều sau đây đã diển tả tâm trạng của tôi lúc đó:  

Chung quanh lặng ngắt như tờ

Nổi niềm tâm sự bây giờ hỏi ai

Cũng lúc này tôi ho rất nhiều, loại ho khô khan mà không làm sao ngăn được. Có đêm thấy ho không ngớt, y tá cho uống một chút thuốc ho nhưng chỉ êm hơi vài tiếng. Nói chuyện điện thoại cứ đi kèm một câu nói là một tràng ho .
Ý nghĩ buông xuôi đó vụt mất đi khi nghĩ đến gia đình , đến người thân đang cổ vũ ,khuyến khích mình vượt qua đại nạn, tôi tập trung hết ý chí phấn đấu vượt lên đánh tới cùng với virus vốn đang bám víu vào buồng phổi của mình.
Ngày 15 tháng 9, bác sĩ Kevin Max đến thăm và khám bệnh. Sau khi check tình trạng bệnh lý, ông công bố quyết định cho tôi xuất viện vào ngày hôm sau. Nhưng trước khi về, tôi phải trải qua breathing test để xem không thở oxy qua mũi tôi có thể chịu đựng được bao lâu. Test kéo dài khoảng 5 phút và tôi được phép xuất viện về nhà kèm theo 1 bình oxy sử dụng từ bệnh viện tới nhà và 1 máy oxygen concentrator tạm dùng trong 2 tuần lễ.

Nằm bệnh viện 2 tuần lễ, mệt mỏi và chán nản, nghe tin được trở về nhà tịnh dưởng đã gây sự xúc động mạnh mẽ trong tôi. Nổi niềm vui sướng vượt qua bạo bệnh sắp thành sự thật Hai tuần lễ không dài lắm để chửa trị cơn bệnh quái ác của thế kỷ nhưng cũng không ngắn quá cho nổi nhọc nhằn, khổ sở tôi đang hứng chịu.
Sáng ngày 16/09, cả hai bác sĩ Kevin Max và Vladimir Labalo đến kiểm tra lần sau cùng, căn dặn kỷ lưởng những gì tôi phải làm, liều lượng thuốc tôi phải uống cũng như tiếp tục cách ly tại nhà đến hết ngày 18/09 là ngày cuối cùng quarentine.
Đưa tôi từ phòng bệnh xuống đường là cô y tá trực và Thành (con của bạn tôi Tạ sỹ Nguyên ) vốn là respiratory therapist của bệnh viện.Thành cũng là người thân duy nhất thăm tôi thường xuyên ở bệnh viện. Xin cảm ơn Thành đã đẩy bình oxy và máy oxygen concentrator đến tận xe.
Bà xã tôi đón ngay trước cổng bệnh viện.Tôi lên ngồi băng sau, hạ thấp tất cả cửa sổ, vẫy tay chào tạm biệt Thành và cô y tá trước khi xe lăn bánh rời bệnh viện. Nổi niềm hạnh phúc dâng trào trong tôi khi xe rẽ vào đại lộ Lomita thân quen hướng về ngôi nhà thân thương của mình.Thế là tôi vừa bước qua một bước ngoặt của cuộc đời, một biến cố trọng đại tưởng chừng mành treo sợi tóc, một cuộc chiến đấu sống còn mạnh được yếu thua, một cuộc phản công vượt qua làn ranh sinh tử để sống còn. Ngồi trên xe , gió se lạnh thổi vào mặt tôi có cảm giác đang hít thở bầu không khí tự do sau thời gian giam mình bốn bức tường của phòng bệnh.

Về nhà nghe các talk show của các bác sĩ tôi đã nghiệm ra  vì sao tôi đã bị nhiễm bệnh dù đã chích vaccine đầy đủ.Thì ra kháng thể tạo ra từ vaccine ở mổi người mổi khác , theo dần với dòng thời gian cùng với tác động của bệnh nền và tuổi tác , kháng thể của tôi không còn đủ mạnh để tự bảo vệ mình nên khi corona virus xâm nhập, nó tấn công dử dội và chỉ nhờ thuốc Redemsivir mới đẩy lùi được chúng.
Hôm nay ngày 23 tháng 9, sau một tuần lễ tịnh dưởng ở nhà, dù sức vẫn còn kém, dù lực vẫn còn hạn, tay chân vẫn còn tê, đi vẫn còn yếu nhưng tôi tin chắc tôi sẽ phục hồi trong thời gian ngắn sắp tới.


Cuối cùng tôi xin cảm ơn người vợ thương yêu và các con yêu quý, cháu nội Ariya của tôi đã tận tình lo lắng, chăm sóc tôi suốt thời gian qua. Cảm ơn sui gia, ông bà Taniguchi, đã gởi quà vào bệnh viện cho tôi. Cảm ơn đội ngũ bác sĩ, y tá bệnh viện Torrance Hospital đã đón nhận và chữa cho tôi lành bênh. Cũng không quên cảm ơn tất cả bà con thân thuộc, anh em và bạn bè khắp nơi đã quan tâm thăm hỏi, động viên, khíck lệ tinh thần giúp tôi vượt qua dịch bệnh và cuối cùng chiến thắng được COVID, đặc biệt là các bạn Nguyễn văn Linh, Huỳnh công Kỉnh, Nguyễn văn Chính và Nguyễn văn Lâm đã chúc phúc cho tôi lúc tôi vẫn còn vật lộn với virus trên giường bệnh.
Hình như tôi là người thứ 3 của khóa 25 nhiễm bệnh Covid. Hai bạn trước Nguyễn anh Dũng và Nguyễn văn Hòa đã vĩnh viển ra đi, riêng tôi còn may mắn ở lại. Có phải chăng số phần của tôi vẫn còn nặng nợ với cơm, áo, gạo, tiền?
 

QUAN MINH TẤN K25

Thursday, September 9, 2021

Kỷ Niệm Còn Đây ...


Anh Thương,

Thật vô tình thấy được tấm hình Anh và Anh Tuấn học nhẩy dù ở Trại Hoàng Hoa Thám, tim em nhói đau, buồn thật buồn, tưởng như ngày hôm qua. Ngày đó, em có cô bạn nhà trong trại gia binh HHT, nghe nói anh Doanh đang học dù, cô rủ cả bọn 4 đứa em, Nguyệt, Diệp, Thoa tây trốn học, Nguyệt đưa chúng em vào coi chuồng cu. Nhờ nhà mình có ông anh họ làm huấn luyện viên trong đó, chúng em gặp anh dễ dàng ... Thấy bọn em anh cười nhưng nhăn mặt:
 
- Các cô lại trốn học phải không ...

Rồi anh cười sảng khoái cho dù mệt mỏi ...

- Ngày nào các cô cũng vào đây, nhiều chàng sẽ quên cả sợ chuồng cu, nhất định nhắm mắt phóng ra biểu diễn nhảy thật đẹp, Võ Bị mà ...

Anh đó lúc nào cũng ca tụng Võ Bị, mình đi ăn anh nhé, anh vẫn nói lính nghèo lắm ... em bao nghe ...

Sau bữa ăn trưa anh vẫn dặn dò: 

- Anh phải vào rồi, đừng trốn học nữa cô bé, Mợ biết mợ buồn lắm đấy, chịu khó học cho Mợ vui, đừng như anh với anh Chính ...

Em vẫn còn nghe tiếng cười của anh đâu đây trong khu vườn nhà mình, vi vu trong gió, hòa lẫn tiếng thông reo …. cho dù đã qua nửa thế kỷ rồi ... Ngày bây giờ em đã trả nợ xong cuộc sống không còn lo nghĩ, nhưng KỶ NIỆM hình như đã tới lúc em phải trả, kỷ niệm tưởng đã quên bỗng một ngày đã trở thành một mùi hương lúc nào cũng quấn quít đi rồi đến, kỷ niệm em không trốn nổi ... nợ này bao giờ mới ra đi ….

Copy trên FB của: MiMi Minh Hương
(Em gái của Trần Việt Doanh) 





Wednesday, June 9, 2021

Chia buồn và tâm tinh với các bạn K25

Ngày hôm qua, lúc mọi người ở Mỹ còn ngủ thì tôi đã thức vì là buổi chiều ở Anh. Tôi thấy E-mail báo tin buồn của bạn HN Hiệp. Tôi thật bàng hoàng vì sự ra đi của bạn Ngỡi. Sáng nay thì lại có hình ảnh tang lễ của bạn Ngỡi ở VN. Như vậy thì chỉ 1 ngày sau là lễ hỏa táng bạn Ngỡi. Tôi chưa kịp chia buồn với Chị Ngỡi và các cháu thì thân xác bạn Ngỡi đã trở về với cát bụi

Dù là trễ, tôi và bà xã cũng xin chia buồn với chị Ngỡi và các cháu. Chúng tôi xin cúi đầu cầu nguyện hương linh bạn Ngỡi được an nghỉ đời đời trong cảnh giới an lạc.

Nhân đây, tôi cũng tâm tình với các bạn K25 về bạn Ngỡi. 

Sau khi mãn khóa thì tôi là 1 trong 10 SQ chọn Pháo Binh (trong đó có bạn TK Xương) và được đưa về Dục Mỹ (nơi có 2 trường huấn luyện PB và BĐQ). Sau gần 5 tháng huấn luyện PB, thì tôi và NV Lâm về Tiểu Đoàn 67 PB (trực thuộc Quân Đoàn 4). Sau đó thì có hai bạn cùng khóa nữa là Ngỡi và Huỳnh Thương cũng về Tiểu Đoàn 67 PB. Nhưng lúc đó, tôi đã rời Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 67 PB để nắm Trung Đội Trưởng 3A, rồi 2A và cuối cùng là 1A (thuộc Pháo Đội A). nên chỉ nghe biết là bạn Ngỡi và Thương cũng đã về Tiểu Đoàn 67 PB, chứ không gặp mặt gì cả. Thế là cho đến 30/4/1975 thì cả 4 tên K25 cũng theo vận nước mà trôi dạt 4 phương trời, chẳng ai gặp ai.

Rồi một năm nào đó, tôi đi chơi ở Mỹ và gặp lại bạn Ngỡi. Dĩ nhiên là tay bắt mặt mừng. Bạn Ngỡi mới đưa tôi đến thăm Trung Tá  Trương Văn Long ở San Jose  (Lúc tôi về TĐ 67 PB thì Trung Tá Long là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó. Sau nầy TT Long về làm Chỉ Huy Trưởng PB tỉnh An Giang (PB diện địa). Thế là 3 thầy trò gặp nhau và nói trên 5 tiếng đồng hồ mà cũng chưa hết chuyện.

Những lần sau đó, tôi lại đến San Jose, thì bạn Trương Kiến Xương cũng gặp tôi và bạn Ngỡi. Bạn Xương nói đùa " Ê Ngỡi, sao gặp đàn anh PB mà không biết chào hỏi gì cả vậy mầy?" (Tôi và bạn Xương cúng học 1 khóa PB). Bạn Ngỡi có đưa tôi và bà xã và một vài anh em cùng khóa khác đến ăn nhà hàng chay và mặn cũng gần nhà bạn Ngỡi.

Trong lần họp khóa gần nhất tại Nam California, thì tôi có nói chuyện vui cười với bạn Ngỡi và thấy bạn dường như thích yên tĩnh. Khi ăn thì bạn Ngỡi thích ngồi ăn một mình hơn là ăn chung với anh em.

Cuộc đời quả là vô thường. Mỗi lần nghe nói đến hai chữ "vô thường" thì có 1 người ra đi. Khóa mình dù chưa phải là già quá, thế mà chưa đầy 4 tháng đã có 3 người ra đi

Tôi cũng như các anh em K25 mình cùng cầu nguyện cho hương linh bạn Ngỡi được yên nghỉ trong cõi vĩnh hằng.

Nguyễn Trung Giang

Vĩnh Biệt Niên Trưởng Dương Văn Ngỡi K25 - Đại Đội Trưởng TKS/ĐĐ/G28


 

Tân Khóa Sinh Đại Đội G Khóa 28 được huấn luyện bởi các SVSQ/CB/Khóa 25:

-      Đợt 1: Đại Đội Trưởng Lê Hân, ĐĐP Trần Văn Khét, các Trung Đội Trưởng: Nguyễn Văn Hợi, Lâm Ngọc Kiệt, Chung Kiêm.

-      Đợt 2: Đại Đội Trưởng Dương Văn Ngỡi, ĐĐP Vương Hoàng Nam, các Trung Đội Trưởng: Văn Quý Mạnh, Lâm Quang Mẫn, Hà Xuân Lộc.

Hôm nay, tôi nhận được tin buồn: Niên Trưởng Dương Văn Ngỡi đã từ giả cõi đời. Ấn tượng đầu tiên của tôi khi cán bộ đợt 1 bàn giao TKS/G28 cho đợt 2 là: Đại Đội Trưởng đợt 2 hiền hơn đợt 1, mặc dù đã được giới thiệu là: “ĐĐT đợt 2 của các anh có cú đá rất mạnh, HLV Đại Hàn còn phải nể”. Tôi còn nhớ Niên Trưởng Ngỡi có biệt danh là “Quách Tỉnh”, một nhân vật võ nghệ cao cường, sức mạnh hơn người, có tâm hồn cởi mở trong tiểu thuyết kiếm hiệp “Anh Hùng Xạ Điêu”.

Niên Trưởng Dương Văn Ngỡi kính mến, Niên Trưởng đã gieo vào tâm hồn của các TKS Khóa 28 ĐĐ G những tình cảm rất đẹp trong những ngày đầu của đời binh nghiệp, chúng tôi xin cám ơn về điều đó.

Tôi được gặp lại Niên Trưởng Ngỡi vào tháng 5 năm 2017 trong dịp “đại hội các đại diện khóa và hội tại San José”, không ngờ đó là lần cuối cùng.

Kính Chào Vĩnh Biệt Niên Trưởng Dương Văn Ngỡi Khóa 25/TVBQGVN

Nguyễn Sanh G28  

Đám tang bạn Ngỡi tại VN



Hồ Ngọc Hiệp K25

Vĩnh Biệt Bạn Dương Văn Ngỡi

 


Thursday, April 8, 2021

Saturday, April 3, 2021

Tuesday, March 23, 2021

THÁNG BA CHÔN SÚNG - MX Lê Khắc Phước

 

Cứ mỗi tháng Ba về, lòng tôi lại chùng xuống, phải nói là buồn đau, cay đắng, ngậm ngùi đến tận cùng tim gan mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh đau thương đập vào mắt tại bãi biển Thuận An vào những ngày 25, 26, 27 hay tại bờ biển Đà Nẵng ngày 28, 29 tháng 3/1975.

Đã 39 năm trôi qua, đã có quá nhiều bài viết về những ngày cuối tháng 3/1975 tại bãi biển Thuận An. Tôi không muốn lập lại nhưng với cương vị là Trung Úy, ĐĐP/ĐĐ2, TĐ7, LĐ147/TQLC, là lữ đoàn bị kẹt lại trên bãi biển Thuận An, tôi xin ghi lại những gì mắt thấy, tai nghe cùng suy nghĩ của mình về những ngày chiến đấu tới tận cùng sức sống của TĐ7/TQLC mà Tiểu Đoàn Trưởng là Thiếu Tá Phạm Cang, Tiểu Đoàn Phó là Thiếu Tá Lê Quang Liễn, cả 2 vị đều xuất thân từ Khóa 20 Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Viết để thấy rõ hơn là trong trận đánh cuối cùng đó của TĐ7/TQLC, chúng tôi đã chiến đấu với ai, với 1 đại đội du kích Việt Cộng hay là chiến đấu với cấp tiểu đoàn, trung đoàn chính quy Bắc Việt với hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 cùng với chiến xa T54 yểm trợ…

Khoảng 5 giờ chiều ngày 19/3/1975, trời nhá nhem tối, tôi là đại đội phó ĐĐ2/TĐ7 TQLC, bàn giao vị trí phòng thủ cho 1 trung úy đại đội trưởng đại đội Biệt Động Quân. Đi theo tuyến phòng thủ dưới cơn mưa phùn gió bấc của tháng 2 âm lịch tại miền núi rừng miền Trung, lạnh cắt da, miệng đánh bò cạp. Tôi hỏi ông về khả năng tham chiến thì được biết quân số của đại đội ông là khoảng 80, mới đụng nặng trở về nên quân số chưa bổ sung kịp. Như vậy là gay cấn rồi đây, quân số của ông vừa đủ trám tuyến cho 2 trung đội TQLC chúng tôi.

Tôi hướng dẫn cho ông hệ thống phòng thủ, giao thông hào hình chữ Z, hầm hố cá nhân, những vị trí đặt súng nặng đại liên M60, những hầm hàm ếch dưới giao thông hào sâu gần 2 mét để tránh pháo 130 ly và hỏa tiễn 122 ly. Tuyến phòng thủ là một đồi đá nhiều hơn đất, muốn lấy nước là phải theo những con đường đặc biệt từ trên đồi xuống thông thủy. Bàn giao cả những vị trí gài bẫy, gài mìn claymore, lựu đạn và có cả những vọng gác giả, lính giả để nghi binh… Ban ngày thấy vậy nhưng không phải vậy, ban đêm mà mò vào là biết thế nào là TQLC phòng thủ, biết thế nào là Sinh Bắc Tử Nam ngay… Bàn giao cho ông những hỏa tập tiên liệu trên bản đồ. Coi chừng bị bắn sẻ. Riêng 2 cái máy sensor để dò tiếng động thì chúng tôi phải đem theo. Khoảng 8 giờ tối thì chúng tôi mới bàn giao xong. Tôi chúc ông may mắn ở lại, còn chúng tôi từ giã Quảng Trị Anh Hùng…

 
TD 7 TQLC

TĐ7/TQLC được lệnh rút về lập Tuyến Đỏ tại đèo Hải Vân. Mỗi sĩ quan nhận 10 tấm bản đồ  trải dài từ Quảng Trị đến Đà Nẵng. Từ khi tình nguyện về TQLC, đây là lần đầu tiên tôi nhận một số bản đồ nhiều kỷ lục cho một cuộc hành quân. Chúng tôi thống nhất đánh số xấp bản đồ từ 1 đến 10 và mỗi bản đồ đều có những soát điểm, di chuyển đến đâu là phải báo cáo cho BCH/TĐ biết để kịp thời yểm trợ. Kèm theo đó còn có những hỏa tập tiên liệu… tất cả đều được mã hóa, VC có bắt được tần số của chúng tôi thì cũng mù vì chỉ có sĩ quan mới có tập giải mã này. Nói đến đây không thể không nhắc đến Thiếu Tá Lê Quang Liễn, TĐP/TĐ7, ông là người soạn ra tập mã hóa này, tất cả đều bằng số, và các sĩ quan cũng như hiệu thính viên đều phải cố gắng nhớ càng nhiều càng tốt…

 

Ngày 20/3/1975, đơn vị tôi rút về đóng quân tại cây số 17, nhiệm vụ là bảo vệ cầu An Lỗ để bảo đảm an ninh lộ trình cho Lữ Đoàn 369 của Tr/Tá Nguyễn Xuân Phúc đi chuyển qua rồi mới tới TĐ7 sẽ rút sau cùng theo chiến thuật cuốn chiếu. Tôi còn nhớ rõ là sáng hôm đó tôi đã đứng nghiêm chào khi Thiếu Tá Lâm Tài Thạnh, TĐT/TĐ9 đi ngang qua cầu. Ngồi trên xe ông chào lại và mỉm cười. Ông và tôi quá quen thuộc vì trước đó không lâu ông là TĐP/TĐ7 và tôi là ĐĐP/ĐĐ2/TĐ7, cùng chung cánh B do ông chỉ huy.

Ngày 21/3/1975, thật là bất ngờ khi được Thiếu Tá Phạm Cang cho tôi 6 giờ phép về thăm gia đình. Bất ngờ là vì suốt hơn 2 năm hành quân ở Quảng Trị, qua 2 đời TĐT, Th/Tá Nguyễn Kim K16 VB rồi Th/Tá Phạm Cang K20 VB, qua 2 cái Tết, tôi chưa bao giờ được cấp 1 giờ phép, mặc dù gia đình tôi ở Huế, chỉ cách nơi tôi hành quân khoảng 50 cây số.

Cầm tờ giấy phép trong tay, tôi đu theo chiếc GMC tiếp tế trên đường trở về hậu trạm ở Mang Cá và về đến nhà khoảng 11 giờ sáng. Đến 12 giờ trưa thì ba tôi đi làm về, tôi cùng gia đình ăn một bữa cơm sau hơn 2 năm xa cách từ ngày ra trường (15/12/1972). Ba tôi làm việc tại Viện Đại Học Huế, ông cho tôi biết là tất cả nhân viên đã sẵn sàng di tản vào Đà Nẳng khi có lệnh. Khoảng 1 giờ trưa, từ giã gia đình, tôi đi xe Honda qua Bưu Điện Huế để gọi điện thoại về cho “em gái hậu phương” ở Sài Gòn. Tôi chỉ cho biết là tôi sẽ đi thăm chú K. (chú K. là chú của tôi đang dạy học tại Đà Nẵng). Nói chuyện được 5 phút, phải ngưng, nhường cho người khác vì người chờ để gọi quá đông. Có một ông nhận là ký giả hỏi tôi là có gởi hay nhắn gì về Sai Gòn không, ngày mai ông sẽ về SG. Tôi cám ơn ổng vì chẳng có gì để gởi.

Lại leo lên xe Honda ra bến xe để trở lại nơi hành quân. Hơn 2 năm trời được 6 giờ phép vể thăm cha mẹ ngay trong vùng hành quân! Những ai không ở trong hoàn cảnh lính chiến trên địa đầu giới tuyến thì tưởng đó là chuyện đùa, chính tôi cũng tưởng đùa, nhưng mà là thật. Không phải cấp chỉ huy làm khó thuộc cấp, chúng tôi, từ trên xuống dưới đều thế cả, vì nhiệm vụ mà phải hy sinh, vì tụi VC xâm lăng muốn “làm khó, làm khổ” đồng bào.

Ba giờ chiều, ra đến vị trí đóng quân, thì một ngạc nhiên khác lại đến với tôi, đó là đơn vị của tôi đã không còn ở chỗ cũ như hồi sáng nữa mà đã hành quân trở ra lại Quảng Trị rồi!.

Ngày 22/3/1975, một ngày khá yên tĩnh, khoảng 8 giờ sáng, toán tiền đồn báo về là từ hướng Quảng Trị có một số quân và dân đang di chuyển về tuyến chúng tôi. Tôi được lệnh là chận tất cả lại. Hỏi chuyện một Trung Úy Địa Phương Quân thì được biết là quân chính quy Bắc Việt rất đông cùng với nhiều chiến xa đã chiếm Quảng Trị, nơi mà mấy ngày trước, TQLC vừa bàn giao tuyến lại cho BĐQ và ĐPQ.

Đến chiều thì địch xuất hiện, ngang nhiên như chỗ không người, họ đâu có ngờ là TQLC vẫn còn đây, và được chúng tôi tiếp đón rất nồng hậu bằng  hỏa lực cơ hữu cùng với 1 M41 tăng phái. Địch rút.

Ngày 23/03/1975, một ngày khá căng thẳng, 2 bên gờm nhau, địch biết ta, ta biết địch nhưng 2 bên đều án binh bất động. Hai bên đều đánh hơi được là thế nào cũng sẽ có 1 cuộc thư hùng xa xảy ra nhưng chưa biết sẽ xảy ra khi nào thôi. Gọi pháo binh không được, không biết tại sao. Từ khi tôi làm ĐĐP, luôn luôn có 1 Thiếu Úy “đề lô” thuộc pháo binh cơ hữu của TQLC đi với tôi nhưng mấy ngày gần đây không còn thấy nữa. Đã 3 tháng nay, sĩ quan “đề lô” của pháo binh TQLC đi với tôi là Thiếu Úy Lê Hạ Huyền. Tôi nhớ rõ họ tên vì ông T/U Huyền là bà con với tôi, tôi gọi ông bằng chú măc dù tuổi ông nhỏ hơn tôi.

Ngày 24/03/1975, tôi nằm trên tuyến với 3 Trung Đội 1, 2 và 3. Cả 3 trung đội dàn hàng ngang nằm trên những đụn cát, chỉ có những bụi dương liễu cao khoảng nửa mét, không có chỗ ngụy trang. Xin nói thêm là trong giai đoạn lính tổng trừ bị TQLC “được” làm lính địa phương, đối phó với giặc có chiến xa thì quân số của một đại đội TQLC trung bình là 160, bao gồm một tiểu đội chống chiến xa (TĐCCX). Mỗi quân nhân trong TĐCCX ngoài 1 cấp số đạn M16 còn mang 3 khẩu M72. Tức là mỗi đại đội TQLC có hơn 30 khẩu M72, một loại vũ khí diệt tank hữu hiệu vào thời điểm đó.

 

Hôm ấy khoảng 10 giờ sáng mà trời vẫn còn sương mù dày đặc, tầm nhìn rất giới hạn, toán tiền đồn báo là có tiếng của chiến xa (CX) nhưng chưa xác định được loại nào vì chưa thấy rõ. Mặt trời từ từ xuyên thủng màn sương mù dày đặc và chúng tôi đã thấy chiến xa địch xuất hiện, 1 rồi 2, rồi 3, rồi 4, rồi 5 chiếc T54 với bộ binh tùng thiết, dàn hàng ngang tiến thẳng về hướng phòng thủ của đại đội tôi. Tôi gọi máy báo cho ĐĐT là Đại Úy Ngô Kim Anh biết tình hình và xin pháo binh yểm trợ. Tôi gọi pháo binh, cho tọa độ. Tràng đầu tiên hơi xa, tôi điều chỉnh gần lại 50, vẫn còn xa, gần lại 50 nữa thì đạn đã nổ chụp ngay trên đội hình của địch. Địch bắt đầu dừng lại, lúng túng rồi hoảng hốt, địch chưa thấy ta. Yếu tố bí mật và bất ngờ đang nằm phía ta. Lệnh đại đội cho tôi chơi ống thổi lửa (M72) nhưng chưa cần thiết, một khi phóng M72 ra là phải chắc ăn, “cua phải bị nướng”, phải chờ chúng tới thật gần, nhất 9 nhì bù, CX còn ở xa, không trúng mục tiêu mà vị trí của mình bị lộ thì… với hỏa lực của T54, một khẩu đại bác 100 ly cộng với đại liên nó mà quạt lại thì tiêu, TQLC sống hùng, sống mạnh nhưng chắc là không sống lâu.

Cái hấp dẫn, hồi hộp, căng thẳng, bình tĩnh, sống chết trong đường tơ, mạng của hằng trăm lính trên tuyến đối diện với CX địch chính là tùy thuộc vào cấp chỉ huy lúc này đây. Lúc này đây, tôi không nghĩ gì đến cha mẹ tôi ở Huế, ngừơi yêu ở Saigòn, em hậu phương ở Đà Lạt, những nụ cừoi duyên BTX sáng Chúa Nhật trên khu phố Hòa Bình, nhà Thủy Tạ v.v… mà là mạng sống của anh em tôi, của tôi trứơc họng súng 100 ly của T54.

 

Tôi còn nhớ thời gian TĐ7 về  “hấp” ở TTHL Đống Đa tại Phú Bài, trong 1 buổi huấn luyện và thực tập bắn M72, tôi được chỉ định bắn M72 cho quân nhân trong ĐĐ xem. Với cự ly 150 mét, trời nắng, gió nhẹ, tầm quan sát rõ, tôi đã bắn bay mục tiêu là 3 cái thùng phuy tượng trưng cho T54. Đó là kết quả của những ngày thao trường đổ mồ hôi, công sức huấn luyện của các Đ/Úy Tôn, Đ/U Nhồng, Đ/U Thái, Đ/U Dục … Xin thành thật cám ơn quý vị, nhờ các vị huấn luyện đã tạo cho tôi niềm tự tin trứơc họng súng CX T54, tôi sẽ chờ chúng tới thật gần, vào tầm hủy diệt 99% của súng chống CX M72.

Chiến xa T54 của CSBV bị bắn cháy

Chiến xa T54 của CSBV bị bắn cháy

Chúng tôi quyết ém quân chờ chiến xa địch, lọt ăn, không lọt đền, phải tương đối chắc ăn mới khai hỏa. 200 mét, rồi 180 mét, rồi 150 mét, tôi ra hiệu cho TĐCCX chuẩn bị, sẵn sàng rút chốt an toàn của M72. T54 cùng bộ binh tùng thiết rõ dần dần, mặc quần áo kaki Nam Định, đầu đội nón cối, tất cả đều ngụy trang bằng những cành dương. Pháo binh vẫn rót vào vị trí địch, 1 tràng, 2 tràng, 3 tràng… Bùm! Bùm! Bùm! Khói lửa mịt mùng, 1 T54 đã bị trúng đạn pháo binh, 2 chiếc bị trúng M72, bộ binh tùng thiết bắt đầu rụng, địch nao núng rồi chuyển hướng chạy về phía rừng dương ẩn núp. Nhưng khốn khổ cho chúng là nơi đó có Trung Đội 2 phòng thủ được tăng cường chiến xa M41. Tôi nhìn ra đàng sau thì thấy đại đội trưởng đang bàn luận với Thiếu Tá Lê Quang Liễn, Tiểu Đoàn Phó, ông là người chỉ huy trực tiếp cánh B. Mỗi lần đụng trận, ông luôn có mặt tại tuyến đầu với tụi tôi. Đó là cách đánh giặc của VB/TQLC.

Ta và địch gần như “sáp lá cà”, không dùng PB được nữa, TQLC và M41 trực diện với T54 và VC tùng thiết! Thiệt hại cả hai bên, chiến trường là thế, địch chết la liệt thì anh em TQLC chúng tôi cũng thiệt hại không ít. Nhưng biết làm sao hơn, chúng tôi đã tận dụng những gì học hỏi được ở quân trường và kinh nghiệm chiến trường, đã tận lực sức người và khả năng chỉ huy để giảm thiểu thiệt hại cho đồng đội và quan trọng hơn, chúng tôi vẫn đứng, thuộc cấp thấy chúng tôi vẫn đứng, đó là điều trường Mẹ không hổ thẹn có những đứa con như thế, như thế.

Đến chiều tối thì được lệnh rút, mang theo thương binh tử sĩ, bỏ mặc vũ khí chiến lợi phẩm, súng ta còn mang không hết thì mang theo “củi” của địch làm gì? Súng không đạn là củi. Mang theo “củi” để kể công để thượng cấp cho ADBT! Địch cũng án binh bất động.

Đêm 24/3/1975, khoảng 12 giờ khuya, trên đường lui binh, chúng tôi lại bắn cháy 1 chiến xa, không phải T54 mà là M41 của ta. Không phải bắn lầm đơn vị bạn vì tối trời mà cố tình bắn vì M.41 đã hết xăng, phải dùng M72 để bắn cháy M41 sau khi đã thảy vào pháo tháp 2 trái lựu đạn. Dứt khoát không để lọt vào tay địch.

 

Khoảng 2 giờ sáng, trên đường rút quân, Thiếu Tá Lê Quang Liễn gặp tôi, ông và tôi im lặng xiết tay nhau như chúc mừng nhau còn sống, rồi chụm đầu trên tấm bản đồ dưới ánh đèn pin trong M113 để xác định…, ông dặn tôi nhớ chuyển thương binh nặng ưu tiên đi trước, vì có tín hiệu báo cho biết địch đang áp sát theo sau.

Ngày 25/3/1975, khoảng 8 giờ sáng TĐ7/TQLC về tới cửa Thuận An, ở đây đã có rất đông dân chúng cùng các đơn vị bạn khác trong tình thế vô cùng hỗn độn mà chắc chắn có du kích và đề-lô PB địch trộn vào, sẽ vô cùng nguy hiểm khi có súng nổ hay làm mục tiêu cho pháo địch, vì thế Th/Tá Phạm Cang cho lệnh tiếp tục di chuyển dọc theo bờ biển xuôi về phía Nam để bắt tay với đơn vị đi trước là TĐ4/TQLC của Th/Tá Đinh Long Thành K19. Vì TĐ7 là tiểu đoàn đoạn chiến, đi sau cùng trong hệ thống chỉ huy của Lữ Đoàn 147/TQLC được lệnh lui về Đà Nẵng theo lộ trình dọc theo bờ biển Thuận An rồi vượt qua cửa Tư Hiền để vào Đà Nẵng, nếu không có tàu HQ vào bốc.

Đến trưa, gặp TĐ4/TQLC, tiểu đoàn cho lệnh dừng quân, lập tuyến phòng thủ ngay trên các đồi cát.

Nhìn lại phía sau, chúng tôi thấy cả một đám đông, rất đông bám sát theo sau chúng tôi. Thật là cảm động và xót thương cho đồng bào tôi, nhưng “tình dân quân cá nước” trong hoàn cảnh này thì thật nguy hiểm cho cả hai bên. Chúng tôi mở đường hướng dẫn cho họ tiến về phía trước, xuôi Nam, nhưng hình như đồng bào không muốn rời xa chúng tôi!

 

Giữa bãi cát bao la, trên trời ánh nắng chói chan rọi xuống, trước mặt là biển cả xanh ngắt, sau lưng là đầm Cầu Hai, đầm Hà Trung nước mênh mông, nhưng bi đông chúng tôi đã cạn khô, cổ chúng tôi đắng nghét vì khói thuốc và khói súng, khát, khát và khát! Một chiếc trực thăng từ hướng Đà Nẵng bay ra và thả tự do xuống một số thùng gạo sấy để tiếp tế cho chúng tôi, gạo sấy lấy nước nào đổ vào để thành cơm?

Sau này trong bài viết Tháng Ba Buồn Hiu của Tiểu Cần, âm thoại viên của Tướng Tư Lệnh TQLC thì trực thăng đó là C&C của Tư Lệnh, người mang gạo ra tiếp tế chính là chánh văn phòng, NT Nguyễn Quang Đan K21 và Tiểu Cần, vì xin nhưng không còn trực thăng để tiếp tế lương thực và nước uống cho quân sĩ! Trực thăng bay đi đâu hết rồi!).

Đến chiều thì gặp Trung Úy Hoàng Công Một K25 thuộc Tiểu Đoàn 5 TQLC điều quân, 2 thằng chỉ thăm hỏi nhau được vài câu và sau đó thì ai làm phận sự người đó. Trung đội trưởng Cúc của ĐĐ H.C. Một đã hy sinh tại đây.

Đến tối thì VC đã tấn công TĐ4/TQLC, Thiếu Tá Nguyễn Tri Nam K22, Tiểu Đoàn Phó và Đại Úy Tô Thanh Chiêu, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 hy sinh..

mx-nguyentrinam

Thiếu Tá Phạm Cang, TĐT/TĐ7 bị thương nhẹ do trúng miểng của cối 82 ly VC khi điều động M113 đánh chiếm mục tiêu.

Em ruột TT Liễn cũng bị tử thương vào buổi chiều.

Theo kế hoạch, 12 giờ khuya sẽ có tàu vào bốc, nhưng chờ mãi chẳng thấy.


Ngày 26/03/1975, nhìn ra khơi thấy nhiều tàu của Hải Quân, lớn có nhỏ có. Đến trưa thì có 1 chiếc tàu há mồm vào để bốc thương binh và BCH/LĐ. Một chiếc thứ 2 vào, nhưng lần này thì không được may mắn như chiếc trước, địch đã dùng hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 bắn vào ngay ống khói của tàu và tàu coi như bất khiển dụng. Một số chết và bị thương ngay trên tàu.

Kể từ giờ phút này, Thiếu Tá Phạm Cang, TĐT/TĐ7 nắm quyền Xử Lý Thường Vụ Lữ Đoàn Trưởng LĐ 147 TQLC. Theo kế hoạch của ông thì TĐ7 bung rộng ra, sẽ là nốt chặn cuối cùng, làm an toàn bãi bốc cho các TĐ bạn và TĐ7 sẽ là đơn vị cuối cùng lên tàu sau TĐ4, TĐ3, TĐ5 TQLC. Rất tiếc là chẳng có chiếc tàu nào vào bốc kể từ đó mặc dù đến chiều vẫn có lệnh là 8 giờ tối sẽ có tàu vào, rồi đến tối lại có lệnh là 12 giờ khuya sẽ có tàu vào…và chẳng bao giờ có tàu HQ vào đón chúng tôi. Đứng trên cát, tứ bề nước mênh mông, không nước, không đạn, nhưng chúng tôi còn có cấp chỉ huy và đồng đội.

Th/Tá Phạm Cang, TĐT/TĐ7 kiêm xử lý thường vụ chỉ huy LĐ147/TQLC khi đó đã bắt liên lạc được với ngừơi bạn cùng K20 chỉ huy đoàn tàu LCM sẵn sàng bốc TĐ7 vào Đà Nẵng, nhưng Th/Tá Cang đã từ chối, không thể chỉ đi có TĐ7, mà phải ở lại cùng toàn thể Lữ Đoàn, trong đó có TĐ4 của NT Đinh Long Thành K19, TĐ5 của NT Phạm Văn Tiền K20, TĐ3 của NT Nguyễn Văn Sử K20. Tôi xin trích đoạn bài viết của Th/Tá Phạm Cang:

_ “10 giờ sáng ngày 25/3/75, trên tần số không lục tôi nhận ra tiếng người bạn cùng khóa, Thiếu Tá Trần Văn Thao, anh chỉ huy đoàn tàu Quân Vận (LCM) từ Đà Nẵng ra Thuận An để đón BĐQ, nhưng không thể nào liên lạc được. Anh hỏi tôi có thấy anh em Mũ Nâu không. Nhìn quanh tôi chỉ thấy 5, 3 anh. Tôi cho Thao biết. Anh nói: “Tôi sẽ đưa các bạn vào Đà Nẵng, hãy chuẩn bị và đánh dấu bãi bốc.”. Rất tiếc tôi không thể chỉ đưa TĐ7 đi, vì còn trách nhiệm với các tiểu đoàn bạn. Tôi cám ơn Thao”.

Một tấm gương sáng khác của cấp chỉ huy mà tôi cần nhắc đến: Th/Tá Lê Quang Liễn, tải thương xác ngừơi em ruột lên tàu xong rồi vị Tiểu Đoàn Phó TĐ7 của chúng tôi nhẩy xuống biển, bơi trở lại vào bờ để cùng sống chết với chúng tôi.


Đêm 26 rạng ngày 27 tháng 3 năm 1975, một đêm trăng sáng vằng vặc, biển động, nhìn ra xa vẫn thấy đèn của Hải Quân lấp lánh ngoài khơi… và chúng tôi “chôn súng”!

Những người lính TQLC đã bắn cháy chiến xa T54 của địch, đã bị hỏa tiễn tầm nhiệt AT3 của địch bắn cháy tàu của họ. Họ đã nhai những hạt gạo sấy sau cùng vào ngày hôm qua, đã bắn những viên đạn cuối cùng vào ngày hôm nay. Và khi không còn gì để chiến đấu, họ đã tự đào hố để chôn súng, bản đồ, địa bàn, thẻ bài, bằng lái xe, bằng dù, thẻ quân nhân…và đã cắn răng chôn ngay cả cái nhẫn Võ Bị, là vật bất ly thân của những sĩ quan xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.


Những người lính Tổng Trừ Bị thuộc ĐĐ2/TĐ7/Lữ Đoàn 147 Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu và bị bắt làm tù binh chiến tranh (POW: Prisoner Of War) như vậy đó.

Bất cứ ai, đừng bao giờ bảo Lữ Đoàn 147/TQLC là những hàng binh, nguy hiểm vô cùng, hãy cẩn thận trong lời nói, thưa các ông, xin nhắc lại: NGUY HIỂM VÔ CÙNG!!!

Riêng cá nhân tôi, 1 người lính VNCH, 1 kẻ chiến bại, tôi chưa bao giờ oán trách cấp chỉ huy của tôi dù là cấp Tiểu Đoàn Trưởng hay vị Tổng Tư Lệnh Tối Cao của Quân Đội. Cái nhìn của tôi chỉ là ở cấp chiến thuật, làm sao biết được cấp chiến lược… Bao nhiêu đắng cay, tủi nhục… đổ lên đầu kẻ chiến bại. Nếu sau khi mất QĐI, rồi QĐII, Hoa Kỳ giữ đúng cam kết với đồng minh VNCH, lại nhảy vào cuộc chiến, như đã xảy ra tại Triều Tiên năm 1953, nếu kết thúc cuộc chiến mà VNCH là kẻ chiến thắng, chúng ta sẽ nói gì? Nói ngược lại chăng? Hỏi tức là trả lời. Chúng ta hãy suy nghĩ 1 cách công bằng.

Một người bạn đã hỏi tôi sẽ làm gì nếu lịch sử được lập lại hay nếu có kiếp sau?

Vâng, câu trả lời của tôi là tôi sẽ lại tình nguyện thi vào Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, rồi khi ra trường lại sẽ tình nguyện gia nhập lực lượng Tổng Trừ Bị của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa: binh chủng Thủy Quân Lục Chiến. Và nếu được chọn lựa thì tôi xin được chiến đấu dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Tư Lệnh Phó TQLC Nguyễn Thành Trí, Trung Tá Lữ Đoàn Trưởng TQLC Nguyễn Xuân Phúc, Trung Tá Lữ Đoàn Phó Đỗ Hữu Tùng, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Phạm Cang, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Phó Lê Quang Liễn v.v… Đó là những cấp chỉ huy mà tôi rất ngưỡng mộ và kính phục, trên chiến trường cũng như trong “tù trường”…

California ngày 26/03/2014

Người trong cuộc

MX Lê Khắc Phước ĐĐ2/TĐ7/LĐ147/TQLC

Đa Hiệu số 101, tháng 5 năm 2014