Khoá 25 (1968-1972) Quyết Chiến Tất Thắng

Testing ...

Wednesday, August 31, 2022

Đại Đội Trưởng Trinh Sát Sư Đoàn 18 Bộ Binh - Phạm hửu Đa K25

Phạm hửu Đa

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng Tam Quan, Bình Định. Năm 1960 tôi theo học Trung Học tại trường Trung Học Tăng Bạt Hổ Bồng Sơn, Bình Định. Đến năm 1966 tôi theo gia đình chuyển vào Nam, tiếp tục học tại Trường Trung Học Vũng Tàu và đậu Tú Tài toàn phần vào năm 1967. Năm 1968 vào Khoá 25 Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam.

Từ trái: SVSQ Lê Tùng & Phạm hửu Đa G/25

Năm 1972 tốt nghiệp Võ Bị, tôi chọn về Sư Đoàn 18 bộ binh và chiến đấu trên nhiều mặt trận cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc chiến. Trên cương vị Đại Đội Trưởng Trinh Sát Sư Đoàn 18 BB suốt từ đầu năm 1973, tôi đã tham dư các mặt trận chủ lực giúp Sư Đoàn hoàn thành nhiệm vụ trấn giữ mặt Bắc Saigon, như mặt trận Phước Long (tháng 9 đến tháng 12/1974), trận bảo vệ Xuân Lộc (3/2/75 – 20/4/75), bảo vệ Bộ Tư Lệnh Tiền Phương SĐ18BB tại Long Bình (21/4/75 – 28/4/75), trận giải toả Cầu Sắt Chợ Đồn giúp cho Sư Đoàn 18 và Quân Đoàn III di chuyển qua sông Đồng Nai (29/4/1975). Tôi đã được đặc cách lên Đại úy trong trận đánh tại Phước Long năm 1974.


Đại Úy Phạm hửu Đa - ĐĐT/ĐĐ Trinh Sát SĐ18 BB
 

Sau khi buông súng tôi bị đi tù Cộng Sản cho đến ngày 20/8/1981 mới được thả. Ba ngày sau, tôi lên thuyền vượt biên đến Paula Bidong (Mã Lai) ngày 24/8/1981, và sau đó được định cư Hoa Kỳ tháng 10/1981.

 

Ngày mãn khoá cháu Mai Phạm
 Tại Hoa Kỳ, tôi đã theo học tại Trường Đại học Long Beach & Fullerton (từ 11/81 đến 6/86). Sau khi ra trường, tôi đã xin được việc làm tại Công ty Molorola với chức vụ System and Probers Technician và về hưu năm 2013.

Tôi lập gia đình vào tháng 9/1982, có hai con, một trai, một gái và đang cư ngụ tại Thành phố Corpus Christi, Tiểu bang Texas.

Điều tôi mong ước là nước Việt Nam sớm được quang phục không còn Cộng Sản, và tập thể Khoá 25 chúng ta luôn là một khối đoàn kết thống nhất, không phân ly.

Mong lắm thay.

Phạm hửu Đa K25

HAPPY 75th BIRTHDAY bạn Phùng Lâm 8/30/2022

 


Sunday, August 28, 2022

Người về từ Hoàng Sa - Nguyễn đông Mai K25

HQ/Trung Úy Nguyễn Đông Mai

 

Thắm thoát đã hơn 30 năm đi qua kể từ ngày Hải chiến với Trung cộng ở Hoàng sa. Để thắp nén nhang tưởng nhớ tới các đồng đội trên chiếc Nhật Tảo, HQ10 và Cố HQ/Đại Uý Nguyễn Văn Đồng, người bạn cùng khóa (Khóa25/Võ Bị Quốc Gia Việt Nam) đã HY SINH trên chiếc HQ5 để bảo vệ lãnh hải. Cùng tưởng nhớ tới Mẹ tôi, Người đã cất kỹ tập hồi ký này để không bị đốt chung với Văn bằng tốt nghiệp Võ Bị cuả tôi. Nay Mẹ tôi không còn nữa, nhưng Mẹ tôi vẫn sống mãi bên tôi như tập hồi ký này mà tôi vẫn nâng niu như một bảo vật.

Cố HQ/ĐU Nguyễn văn Đồng

Trong không khí của mùa Xuân hôm nay tôi xin gởi đến quí vị những hình ảnh của trận hải-chiến đầu tiên và cũng là cuối cùng của Hải quân Việt-nam Cộng Hòa và Trung cộng tại Hoàng sa.

Chiều 18/01/1974

Con tàu mang số bù vẫn lầm lũi lướt sóng với cấp phỏng định 08:30 kể từ khi ra khỏi tầm hoạt động của đài kiểm báo 102 đêm qua. Chiều nay lên nhận phiên, tôi hơI mệt. Hồi trưa phải lo cho các ban tiếp tục sơn phết phần còn lại của chiến hạm kể cả hai hầm máy tả và hữu để chuẩn bị thanh tra sau chuyến công tác khi về tớI Sài-gòn, nên tôi không chợp mắt được giây phút nào. Với vận tốc phỏng định 10 nơ (knots) một giờ, có lẽ tàu sẽ đến Hoàng-sa trong ca (quart) của mình và thờI điểm phỏng định là 18:00H 18/01/74. VớI tầm hoạt động của chiếc SPS-53, các đảo có thể nhận thấy trên màn ảnh ra-đa khoảng 16:30H là tối đa. Thế nhưng đến 16:30H, rồI 17:00H trôi qua, nhân viên đi ca ở CIC báo lên đài-chỉ-huy vẫn chưa thấỵ Đến 17:30H mớI thấy một vài vệt mờ trên màn ảnh ra-đa với khoảng cách 26 hải lý. Giờ này tôi mới xác định được vị-trí của chiến hạm mình. Sánh với route vẽ, con tàu nằm bên mặt đường chừng 6 hải lý. Nhưng HPA cuả Hoàng-sa báo cho HQ4 lúc ấy tôi vẫn báo cáo là 18:OOH/18/01/74 như ban đầu. Sau khi bàn giao ca lại cho Trung-úy Vũ văn Bang xong, khoảng chừng 18:00H, bằng viễn-vọng-kính tôi có thể nhìn thấy được hình dáng của những chiến-hạm khác cùng hòn đảo gần nhất là hòn Money ở hướng 2 giờ. Sau đó tôi và Thiếu-úy Huân (SQ/Phụ-tá Trưởng phiên) mới đi ăn tối. Cho đến giờ phút này, với mấy miếng mứt và ít hạt dưa trong đĩa, tôi cùng Huân bên tách trà đậm với điếu capstan trong tay, vẫn tươi cười, thoải mái chuyện trò, chưa một điềm cỏn con nào báo trước rằng mai đây chúng tôi sẽ vĩnh viễn xa nhau. Chúng tôi sau đó ai về phòng nấy ngủ để chuẩn bị “ca” (quart=quarter) sáng hôm sau.


Hộ Tống Hạm Nhựt Tảo HQ 10
 

Ngày 19/01/74

Chưa chợp mắt được bao lâu, thì tất cả sĩ-quan được đánh thức ra hộp ở bàn ăn (carré) sĩ-quan theo lệnh của Hạm-phó Nguyễn Thành Trí. Bấy giờ là 02:00H sáng. Hạm-phó cho biết theo tinh thần công-điện vừa nhận được, phần thiệt hại có thể về ta hết 80% tớI 90%, bỡi chúng ta không được khai hỏa trước, chỉ được nổ súng khi bị chiến-hạm địch nổ trước. Sau câu nói này, tôi không thể không đặt lại vấn-đề khai hỏa với Hạm-phó trước mặt đông đủ các sĩ-quan HQ10 được rằng tại sao giữa chốn này chỉ có ta và địch lại để địch khai hỏa trước mà không phải là ta để yếu-tố bất ngờ nằm về phía ta có hơn không? Lúc ấy Hạm-phó Trí mới bảo tôi rằng đây là lệnh từ Sài-gòn, chúng ta phải thi-hành theo lệnh. Tôi đành im.

 Buổi họp xong hồi 02:30H sáng. Tôi về phòng cố ru giấc ngủ, nhưng đó cũng chỉ là ý định, bỡi tôi không sao chợp mắt được. Nhảy xuống giường xem đồng-hồ, đã 3:10H rồị. Tôi đành đi đánh răng, rửa mặt rồi thay đồ. Tôi xuống bếp làm gói mì để dằn bụng. Lần xuống hướng phòng chief tôi đánh thức Huân dậy cùng ăn cho vui. Không ngờ vừa lúc ấy Thuỷ-thủ trọng pháo (TT/TP) Thi văn Sinh mang lại đưa tôi một tách cà-phê sữa. Sung sướng thật! Không ngờ “thằng em” nó lại mến mình vậy. Từng điã cơm chiên khuya, từng điếu Bastos xanh, những ngày cuối tháng hắn vẫn mang vô phòng ăn sĩ-quan là gì! Ăn uống xong, đồng hồ chỉ đúng 03:45H. Lệnh làm tối chiến hạm (darken ship) từ tối qua, nên giờ này tôi phải dò dẫm từng bước một theo cầu thang lên đài-chỉ-huỵ Chưa hết nấc thang chót tôi đã phải dộI ngược chạy xuống vì còi nhiệm sở tác chiến liên hồi vang lên.
Khoảng 5 phút sau, nhân viên đã sẵn sàng và đầy đủ ở nhiệm sở. Bằng một vòng kiểm soát sân lái, tôi thấy thiếu một nhân viên ở khẩu 24. Nhân viên này là Trung-sĩ/Vận-chuyển (TS/VC) Lân đã nằm bệnh viện trước khi tàu đi công tác. Tôi chuyển bớt một nhân viên ở khẩu 81 ly là TT/BT (Bí thư) Thành sang làm phụ xạ-thủ khẩu 24. Như vậy khẩu 81 ly giờ còn hai nhân-viên: TS/TP Trọng và HS/VC Ngô văn Sáu. Được lệnh tôi, TS/TP Trọng xuống hầm đạn 81 ly ở sân lái lấy lên 15 viên xuyên phá (Heat). HS/VC Sáu tháo các nắp bao ra và để đạn giữa chân khẩu 81 ly và cầu thang gỗ. Với ý-định lấy thêm đạn nữa, nhưng sáng nay biển động mạnh nên TS/TP Trọng chỉ mang thêm được 5 viên nưã và sắp hàng ở chân khẩu 81. Theo đề nghị của TS/TP Trọng-HSQ/P4 ngành TP – thì cần bớt charge lại để giảm sự thông nòng cùng những trở ngại khác liên quan tới vấn đế bảo trì. Tôi không đồng ý với HSQ/TP Trọng bởi lý do rằng ở đây tôi sẽ dùng trực xạ chứ đâu phải bắn yểm trợ cho đơn vị bạn trên bờ đâu?


Khoảng 04:30H theo báo cáo từ ĐCH, nhìn lên đỉnh đầu tôi thấy hai đốm sáng bay thật nhanh. Tất cả các khẩu súng, ngoại trừ khẩu 76.2 ly và cây 81 ly, đều quay về hai mục tiêu di động nàỵ Chừng một tiếng đồng-hồ sau, lại hai đốm sáng bay từ hướng 9 giờ qua hướng 3 giờ rồI biến mất. Đến 06:00H hai đốm sáng bay ngang chòm Đại-hùng tinh. Lần này đốm sáng thấy rõ hơn hai lần đầu, có lẽ 2 phản-lực cơ này bay thấp hơn. Lại một phen nữa các khẩu súng không ngừng bám theo các mục tiêu di động. Bấy giờ trờI cũng đã gần sáng, tôi cho ba nhân-viên vận-chuyển tháo các dây an-toàn và cột cờ ở sân lái luôn. Khoảng 08:30H nhân-viên than đói, tôi cho ở mỗi khẩu súng được cử một nhân-viên vào nhà ăn lấy phần ăn cho đồng bạn. Nhìn họ chuyền ca cháo (tép?) từ người này sang người khác để điểm tâm, tôi không khỏi xót lòng cho họ hay xót xa cho chính thân phận mình cũng thế-bỡi tôi có hơn gì họ đâu?


Kể từ lúc vào nhiệm sở tác chiến cho đến khi tác chiến thực sự xảy ra, tôi không nhớ lệnh CHUẨN BỊ TAC XẠ đã ra bao nhiêu lần! Mười phút sau khi khai hỏa, chúng tôi được biết qua ear-phone là ĐCH bị thương nặng. Lúc này HQ10 hầu như vẫn bình thường. Bao nhiêu hỏa lực hầu như vẫn ào ạt vào chiếc 396 của Tàu Cộng. Cho đến giờ phút này tôi vẫn còn nhớ rõ sau phát súng đầu từ khẩu 81 ly, đến phát thứ hai được điều chỉnh cao hơn, TS/TP Trọng đã chính xác nhắm vào chiếc 396 của địch. Ngay ĐCH của tàu địch lóe sáng vớI cột lửa lớn trong tiếng hò reo của nhân-viên. Các khẩu 40 ly và 20 ly ào ạt nhả đạn, không chịu buông tha tàu địch. Cũng chính trong lúc này nhân-viên ở hầm máy trước được kéo lên mình mẩy nám đen trong tiếng rên thét thảm khốc của họ. Bấy giờ chiếc 396 như tiến lại gần tôi hơn từ phía lái. HS/VC Ngô Văn Sáu và HS/VC Lê Văn Tây vẫn ngang nhiên ghì nòng súng làm tròn phận-sự của mình trước tinh thần hầu như bấn loạn của các nhân-viên khác. Rồi chừng 15 phút sau một tiếng va chạm mạnh làm chúng tôi té nhào trên sàn tàụ. Tôi chợt nghĩ đến chuyện tàu lên cạn vì vùng này có nhiều san hô. Sau này khi đào thoát tôi mớI biết HQ10 đâm vào tả hạm chiếc 396. Giờ này mọi nhân-viên trên chiến-hạm hầu như đều hoang man nếu không nói mất hết tinh thần trong tiếng đạn nổ khắp tứ tung và khói đen mịt mùng của con tàụ. Đâu đây thoáng bóng một nhân-viên từ lỗ cữa tròn trên sân giữa bước xuống cho biết tàu địch sắp tràn qua bắt sống. Bằng cánh cữa ra sân lái, tôi chạy ra sân sau xem xét tình hình – Ôi thôi HQ10 của tôi đã bất động. DướI chân tôi, sát chân cầu thang lên sân giữa, Trung-úy Cơ-khí Thành, ngườI bạn thân-thiết của tôi đang sõng sượt thở dốc từng hồi. Nhìn kỹ hơn, tôi thấy hai chân của Thành hầu như lìa khỏi thân mình, mặt mày cháy đen. Tất cả hệ-thống liên-lạc nộI bộ không còn, chiến hạm tối đen. Nhân-viên phòng-tai báo cáo không dập tắt nổi ngọn lửa và nước đang vào các hầm máỵ Chạy lên sân giữa, tôi gặp nhân-viên dìu HP Trí tựa lưng vào thành Khẩu 42. HP ra lệnh đào-thoát gấp, giờ chúng ta không làm được gì hơn. Một vài nhân-viên chạy ra sân sau thông-báo đào-thoát theo lệnh HP. Từ sân giữa, phía hữu hạm, nhìn về chiếc bè cấp cứu giờ này đã trôi quá xa chúng tôi. Tôi ngao ngán nhảy khỏi tàu như những nhân-viên khác để bơi về phía chiếc bè giờ này chỉ còn bằng ngón tay cái. Có lẽ tôi đã mất ít lắm là mười phút mới đến bè nổi cùng chiếc phao cá-nhân bên hông. Khi lên được bè nổi nhìn lại đồng hồ thì nó đã đứng từ hồi 11:07H. Hướng về chiếc HQ10, con tàu vẫn còn mịt mùng trong khói đen. Sau lưng tôi còn mỗi mình chiếc HQ16 vừa nghiêng vừa chạy về hướng tây. Sau mấy vòng chạy quanh bắn xối xả vào HQ10, hai chiếc tàu địch 281 và 282 bỏ chạy và trả lại sự yên lặng thê lương cho biển cả trong màu nắng héo hon của những ngày cuối năm (âm lịch).
 

Chiều 19/01/74

Chiều nay biển hãy còn đọng. Từng đợt sóng vẫn vô tình vồ vập lên bốn chiếc bè tập-thể của chúng tôi trong sự vắng lặng thê thảm của một ngày chiến đấu mệt mỏi. Trên chiếc bè thứ hai sau tôi, TS/QK Tuấn sắp ra đi vì vết thương nặng trên trán, TS/VC Đa dùng những sợi ny-lon buộc chặt thân mình vào chiếc bè cho chắc ăn. Vào khỏang 17:30H, xa xa ở hướng ĐB chúng tôi thấy có bãi cát trắng cùng hàng cây xanh của đảo Drummond. Tôi đứng lên khuyến khích mọi người hãy cùng nhau ráng sức chèo về hướng này. Những tiếng dzô dzô vang lên mỗI khi mái chèo (đúng hơn là những mảnh gỗ gỡ ra từ chiếc bè nhỏ mà ban vận chuyển đóng lấy để sơn cốc tàu khi còn ở Sài-gòn) khoắn vào nước. Nhưng chẳng bao lâu những tiếng hò dzô đó cũng thưa thớt dần theo màu nắng của chiều tàn. RồI hòn đảo Drummond cũng biến theo bóng đêm. Mọi người không ai bảo ai đều dừng tay như ngầm bảo giờ đây ta tạm nghỉ, rồi sáng mai hãy tiếp tục. Thế là chúng tôi tựa lưng vào nhau nghỉ khi nước ngập tới ngực.

Ngày 20/01/74

HP Nguyễn Thành Trí đã trút hơI thở cuối cùng vào 02:00H sáng ngày tháng này. Đây là báo-cáo của các nhân-viên từ trên bè thứ năm (chiếc bè đã không trôi chung theo nhóm bốn bè của chúng tôi). Sáng sớm hôm nay bừng mắt dậy, từng ngườI đứng lên cố tìm hòn đảo Drummond thấy ngày hôm qua, nhưng than ôi, dịp may không hai lần đến! Chúng tôi đã trôi dạt tớI phương nào rồị, có lẽ đã quá xa vùng hải chiến ngày qua rồi. Căn cứ vào sự trôi dạt của chiếc bè tập thể ngày hôm qua khi đào thoát khỏi chiếc HQ10, tôi cho rằng Drummond phải nằm hướng TB của chúng tôi. Bốn chiếc bè buộc vào nhau vẫn nổi trôi theo dòng nước, lềnh bềnh theo con sóng. Hai mảnh gỗ được chuyền từ tay ngườI này sang tay người khác. Sáng nay chúng tôi vẳng nghe như trong gió có tiếng súng lớn nhỏ. Tôi cũng không quên căn dặn nhân viên trên bốn bè khi giao cho họ ba lon nước ngọt rằng đến tối mới được uống nữa. Tôi vẫn nhắc đi nhắc lại hoài vớI nhân-viên rằng đói không chết mau như như chết khát đâu. Ta có thể nhịn đói không ăn nhưng chịu khát không quá một ngày để khuyến nhủ họ uống thật tiết kiệm. Rồi một ngày cũng trôi qua trong sự mõi mòn chờ đợi và hy-vọng… Hy-vọng một bàn tay vô hình nào đó sẽ đưa đẩy chúng trôi dạt về với loài người, đến một vùng nào cũng được mang hình ảnh của sự sống. Một hoang đảo nào đó cũng được, cho dù chưa một lần loài người đặt chân tới, chúng tôi cũng mưu sinh được nhờ vào loài hải-âu và cây lá…Và vớI quần aó này trên người, chúng tôi sẽ mang cất để dành cho một tháng ngày nào đó cho dù là mười, hai mươi hay ba mươi sau nếu còn sống, tôi sẽ mặc vào trở về với loài người khi loài tìm được chúng tôị…Nhưng bài học hôm qua đối với chúng tôi quá đắt đã kéo tôi về với thực tại, tôi cố khuyên nhủ các nhân-viên đừng bước lên vết xe cũ…Rằng nếu đêm qua chúng ta đồng lòng không nãn chí thì đâu đến nỗI giờ này còn lênh đênh trong vô vọng. Thế là chúng thay phiên đi ca. MỗI phiên có hai ngườI chèo từ mỗI bè. TS/GL Vương Thương đã giao cho Ch.Úy Tất Ngưu một “la-bàn từ” bỏ túi để kiểm soát hướng, còn nhân-viên chèo để ý hướng nhờ vào chồm sao thiên hậu (hướng TB).

Ngày 21/01/74


Tin Tức Thời Tiết hôm nay: Biển 2; Vân độ 6/8; Gió: ĐB; VKĐ: 8 Hải-lý.
Có lẽ để bù đắp lại công lao suốt một đêm nhọc mệt thay phiên đi ca, sáng nay khoảng hơn 06:00H sáng, chúng tôi nhìn thấy có ánh châu lóe lên từ hướng Bắc. Có lẽ tàu bạn tìm cứu?! Sau hai ngày vô-vọng sáng nay chúng tôi như bừng tỉnh thấy ánh châu-màu đầy hy vọng. Khi thấy được ánh châu, Th.Úy Hùng đề nghị rằng bè anh sẽ tách rời khỏi ba bè để có thể chèo nhanh về hướng có hỏa châu để cầu cứu. Chúng tôi đều đồng ý vì cùng đi bốn bè một lúc thì quá khó khăn, chi bằng để một bè đi đến gặp sẽ thông báo đơn vị tìm cứu nhanh hơn. Đám mây xám có hình dáng một con quái vật nơi phát ra ánh châu giờ này gần như cũng tan biến vào những cụm mây khác. Niềm hy-vọng chúng tôi vừa tìm đươc lại sáng nay cũng tan theo. Tiếng rên của TS/GL Vương Thương càng lúc càng yếu dần, chưa đầy nửa tiếng sau hắn ra đi. Đến trưa hôm nay trên ba bè chỉ còn hai lon nước ngọt, phần kẹo đã hết từ chiều qua. Kể từ lúc này tình trạng lương thực thật bi đát. Mọi ngườI đều như tuyệt-vọng. Không một tia hy vọng nào còn le lói được trong chúng tôi. Chúng tôi chỉ còn ngồi chờ. Chờ gì đây?-Chết? – Phải, cái chết ở ngay trước mắt đó. Hay chờ đuợc cứu sống? – Cũng có thể với hy-vong của một phần triệu: cứ ngồi yên đây, không hoạt động gì, rồi lịm đi ít ra cũng thoi thóp được năm hay sáu ngày nữa nhờ vào số lượng mỡ dự trữ trong cơ-thể. Đây là giải pháp bắt buộc và cuối cùng của chúng tôi (không làm gì được hơn!). Đến 18:00H thì chiếc bè của Th.Úy Hùng về nhập lại thành bốn bè và buột chùm nhau. Như thường lệ, mỗi ngườI tìm một vị thế thoải mái nhất cho mình (nhưng vẫn phải tôn trọng sự cân bằng cho chiếc bè vốn đã bị đạn địch bắn vỡ) để có thể ngồi ngủ yên suốt đêm. Nếu bảo là ngủ thì không đúng nghĩa, mà là ngồi yên để thiếp đi vì mỏi mệt, đói khát và lạnh giá. Có khi chúng tôi chập chờn được vài giấc mà đồng hồ mớI 21:00H. Th.sĩ Quản Nội Trưởng Châu và TT/TP Va suốt đêm mê sảng nhảy xuống nước hoài làm khổ lây những nhân-viên khác lọt xuống nước luôn vì bè mất thăng bằng.

Ngày 22/01/74

Còn chờn vờn trong cơn mê mệt, lại bị đánh thức dậy vì bè đã bị đứt. Mở mắt nhìn quanh, không một bóng dáng chiếc bè nào khác hơn ngoài chiếc của mình. Giờ này đã rạng đông. Phải đợi sáng nhân-viên trên bè tôi mới thay phiên đứng lên tìm những chiếc bè kia. Mãi đến khi mặt trờI lên cao, chúng tôi mớI thấy tít tận ngoài xa một chiếc bè đỏ. Nhìn kỹ hơn nữa quanh tôi thật xa cũng có hai chiếc bè đỏ nữa. Từ phút này tôi chỉ còn biết sức khỏe nhân-viên trên bè tôi thôi gồm bảy ngườI: Tr.Úy: Hoà, Thì, Mai, Ch.Uý Ngưu, TT/BT Thành và TT/CK: Hà và Hoà. Đến trưa hôm nay có ba nhân-viên trên bè tôi có sức khoẻ quá kém, có lẽ không qua khỏi đêm nay. Đó là: Tr.U/Hòa, Ch.U/Ngưu và TT/CK Hoà. Họ than van lạnh, khát và tiểu không được. Từ sáng nay tôi phải dùng nước tiểu của mình, sau khi chộp được một con cua con nhai ngấu nghiến. Đến xế chiều TT/BT Thành lếch tấm thân bồ tượng ra giữa tấm bửng làm gãy hết mấy miếng gỗ kê lên trưa qua. Giận thằng này thật!, to con không được tích sự gì, lại hay than van rên rỉ nữa! Lại tiếp tục ngâm mình trong nước như những ngày trước. Chiều nay một chiếc B52 bay từ hướng Tây sang Đông. Giống như chiều ngày hôm qua (bay từ Đông sang Tây) chiếc B52 chiều nay vẫn hiên ngang băng mình về hướng Guam mặc tình cho chúng tôi mỏi mòn lắc lư mảnh giấy bạc trong tay xin cấp cứu. Thêm lần nữa chúng tôi thắm thía chữ “BỊ BỎ RƠI!” Chúng tôi tiếp tục tìm về giấc ngủ-ngồi-ngâm-trong-nước…


Kìa! Có tàu!

Tiếng từ một nhân-viên nào đó trên bè tôi la lên. Bao cặp mắt mở bừng. Một thương thuyền sơn đỏ và đen. Như một cái máy, chúng tôi ai nấy đều khoắn hai tay trong nước cố đưa bè mình về hướng con tàu. Một, hai, ba, ƠI… Tay khoắn nước, miệng la ỚI lên một lượt may ra tàu mới nghe được. Chiếc aó phao cá-nhân trên ngườI, tôi cởi ra, đưa lên cao tôi vẫy. Bây giờ là 6:00 giờ chiều, và nắng vàng cũng sắp tắt. Tôi đề nghị tất cả mọi ngườI nhảy khỏi bè, vừa bơi vừa đẩy bè đi may ra nhanh hơn. Chiếc bè vẫn ì ra đó, chẳng thấy nhích thêm được tí nàọ Không biết vì trông mau tới tàu hay sức khỏe chúng tôi chẳng còn bao nhiêu. Có lẽ cả hai nguyên do đều đúng. Rồi ánh đèn từ chiếc tiểu đỉnh cũng hướng về phía chúng tôi. Tiếng Tr/U Ph.V. Thì thì thào bên tôi: Mai ơi, đây là thực hay ảo đây Mai? Khi nhân-viên thương thuyền đưa tôi lên tàu thì đã 9:00 giờ đêm. Đây là bè thứ ba được vớt lên tàu. Đêm nay tôi đón giao thừa trong cơn sốt mê man như các bạn đồng hành khác…

HQ/Tr.U Nguyễn Đông Mai

Quà lưu niệm Hội CQN HQ trước năm 1975

Wednesday, August 24, 2022

Tôi Đi Học Ranger School Ft. Benning - Cao Văn Hải, K25

Trung Úy Cao văn Hải
 
Tôi tốt nghiệp K25/ TVBQGVN vào cuối năm 1972. Ra trường, tôi chọn binh chủng Biệt Động Quân.
Thuở ấy, như bao nhiêu người trẻ tuổi khác, lòng tôi mơ chiến trận. Gần nhất, tôi mơ được là một trong những năm mươi hai Tiểu Đoàn Trưởng của binh chủng Biệt Động Quân. Về sau tôi mới biết có những con đường khác rộng rãi hơn, bởi vì hoàng hậu của chiến trường là các Sư Đoàn Bộ Binh chớ không phải là Biệt Động Quân. Tuy nhiên, sự lựa chọn trên đã mang đến cho tôi một cơ hội lịch sử của cuộc đời: Tôi là sĩ quan cuối cùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tốt nghiệp trường Ranger School của Hoa Kỳ.Sau khi ra trường, chúng tôi (K25 chọn BĐQ) trình diện Bộ Chỉ Huy Biệt Động Quân và được gởi đi học Khóa Rừng Núi Sình Lầy ở Trung Tâm Huấn Luyện BĐQ, Dục Mỹ. Mãn khóa, chúng tôi lại về trình diện Bộ Chỉ Huy BĐQ. Lần này, chúng tôi được gởi đi thực tập chỉ huy ở Núi Dài thuộc Quân Khu IV và Pleiku thuộc Quân Khu II.

Trần việt Doanh
Tiếng là đi thực tập chỉ huy, thật ra chúng tôi đi xem các đơn vị BĐQ đánh trận thiệt. Kết quả của thực tập chỉ huy, người bạn đồng khóa Trần Việt Doanh ra đi vĩnh viễn tại chiến trường Pleime. Cho tới bây giờ tôi vẫn nghĩ Tướng Giai là vị chỉ huy đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho các sĩ quan BĐQ mới ra trường, trước khi họ về nhận đơn vị. Ngày chọn đơn vị, tôi về Tiểu Đoàn 30, Liên Đoàn 5 BĐQ.

Tôi trình diện tại hậu cứ của TĐ30 BĐQ, Biên Hòa và sau đó theo chuyến trực thăng tiếp tế vào An Lộc. Theo chân một người lính dẫn đường, tôi đến Bộ Chỉ Huy của Tiểu Đoàn. Trong tư thế của lính mới tò te, tôi trình diện theo quân cách của quân trường làm các sĩ quan tại bàn không nhịn được cười. Trong bàn tiệc nhỏ, tôi bắt đầu lo lắng sau khi biết ra Tiểu Đoàn Trưởng Võ Mộng Thúy-K19 (danh hiệu Thủy Tiên), Tiểu Đoàn Phó Nguyễn Hữu Mạnh-K20 (danh hiệu Mạnh Vũ), Ban 3 Nguyễn Văn Xuân-K22 (danh hiệu 93), ba NT K24 đều là đại đội trưởng. Té ra tôi, là thằng út của Tiểu Đoàn 30, sẽ là bóng mờ bên cạnh những cây đại thụ cao lớn đầy kinh nghiệm chiến trường. Kể từ lúc ấy, NT Nguyễn Phán K24 là Đại Đội Trưởng của tôi. Ông, là một đại đội trưởng xuất sắc của tiểu đoàn, được binh sĩ kính trọng. Ông Thầy chỉ dẫn tôi, nuôi tôi ăn ngày ba bữa. Cho mãi tới mấy mươi năm sau khi gặp lại NT Phán ở Nam Cali tôi vẫn có cảm tưởng tôi chưa lớn được.

Ft. Benning, Ga
Trở lại câu chuyện của trường Ranger School.

Vào khoảng tháng 10 năm 1973, tôi có dịp ra Bộ Chỉ Huy của Liên Đoàn 5. NT Phán gọi tôi và cho biết tôi được cấp giấy phép 7 ngày về Sài Gòn. Vắn tắt là sẽ có người mang ba lô và giấy phép giao cho tôi tại sân bay. Tôi vui quá vì có phép từ trên trời rơi xuống. Tôi đâu ngờ rằng đó lần cuối tôi được đứng trên đất An Lộc, lần cuối cùng tôi được làm lính của Tiểu Đoàn 30 BĐQ. Về tới Sài Gòn, sau khi trình diện Bộ Chỉ Huy BĐQ, tôi mới hiểu ra chuyện. Trường Ranger School cấp cho QLVNCH bốn chỗ (slots) và hiện thời chỉ có bốn sĩ quan BĐQ đủ điểm về Anh Văn đang theo học tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội.


Tổng Cục Quân Huấn muốn Bộ Chỉ Huy BĐQ phải dự phòng hơn bốn thí sinh để bảo đảm không bị trống chỗ. Vì thời gian nhập học gần kề nên thí sinh mới phải có số điểm trên 85/ 100 mới được nhận vào chương trình. Tôi may mắn được trúng tuyển. Và kể từ đó, tôi theo học ở Trường Sinh Ngữ Quân Đội. Tháng 02 năm 1974, thi Anh Văn lần chót, tôi may mắn nằm trong danh sách cuối cùng. Sau đó là thủ tục xuất ngoại: khám sức khỏe, may quân phục, chích ngừa. Tôi lên đường đi về một nơi chốn mà tôi không hề biết.

Chúng tôi, bốn sĩ quan BĐQ cấp bậc Trung Úy, đáp máy bay thuê bao của quân đội Mỹ lên đường đi Ft. Benning, Ga. Máy bay ghé Guam, Honolulu, Travis Base (CA), Atlanta, và cuối cùng Columbus thuộc Georgia. Chúng tôi tạm trú tại Olson Hall, Ft. Benning một tuần để làm thủ thục giấy tờ nhập học. Cũng trong tuần này, chúng tôi được phát mỗi người ba bộ đồ trận, ba đôi giày, và sáu đôi vớ. Theo đề nghị của sĩ quan hướng dẫn, chúng tôi nên mang theo hai đôi giày trong suốt khóa học để thay đổi khi có cơ hội. Ngày nhập học, chúng tôi đi xe bus sang trường Ranger School. Kể từ đó, chúng tôi không còn gặp nhau.

Khoá Ranger 9-1974

Một cách tổng quát, khóa Ranger tổng cộng 61/62 ngày bao gồm ba giai đoạn: giai đoạn Benning, giai đoạn Núi, và giai đoạn Sình. Trong thời gian thụ huấn, rất hiếm khi học viên được ăn ba bữa, mỗi ngày học viên được ăn một hoặc hai bữa tùy theo có tuần tiễu hay huấn luyện tại trại, trải qua 20 giờ huấn luyện, và được ngủ trung bình 3.5 giờ hay ít hơn. Học viên mang vũ khí, đạn dược, và dụng cụ huấn luyện nặng cỡ từ 65-90 pounds, trong lúc tuần tiễu trên 200 dặm trong suốt khóa học. Mục đích của khóa Ranger là tạo cơ hội để học viên thực tập về lãnh đạo, chỉ huy chiến trường với các đơn vị cấp tiểu đội và trung đội trong các điều kiện mệt mỏi, đói, thiếu ngủ, và áp lực.

Giai Đoạn Benning (Benning Phase)

Giai đoạn Benning gồm có 21 ngày được chia làm hai:
Tuần lễ đầu tiên là tuần lễ thử thách. Tiếng Mỹ gọi là Ranger Assessment Phase (RAP). Học viên phải vượt qua RAP trước khi di chuyển sang căn cứ Darby.

Tôi đến Ranger School vào buổi sáng. Ngày đầu tiên rất bình thường, hớt tóc trọc đầu, khám sức khỏe tổng quát, phân chia đơn vị, nhận Ranger buddy, nhận số Ranger và toàn khóa gặp căn cứ trưởng. Tôi đã phạm lỗi lầm ngay trong ngày đầu. Khi thấy tôi đeo bằng nhảy dù, huấn luyện viên hỏi vắn tắt “nhảy dù”? Tôi mau mắn gật đầu. Thế là tôi bị xếp vào trung đội Airborne Ranger. Theo truyền thống, ai không phải là Airborne thì gọi là ‘LEG”. Nhảy dù là chuyện nhỏ, nhưng nếu bị thương tích thì chắc chắn tôi sẽ bị loại ngay ra khỏi khóa học. Lỡ rồi theo luôn. Tôi nhảy dù 3 lần trong suốt khóa học, trong đó hai lần với đầy đủ trang bị và vũ khí ở căn cứ Núi và căn cứ Sình. Ngày thứ hai tới như một cơn bão lớn. Kể từ ngày thứ hai, chương trình huấn luyện bắt đầu lúc 3:30 sáng và chấm dứt 23:00-24:00 cho mỗi ngày.
Tuần lễ RAP có nhiều thử thách với mục đích loại bỏ không thương tiếc những người không đạt tiêu chuẩn. Tôi chỉ kể ra đây các thử thách chính:
- Hít đất ít nhất 49 cái trong 2 phút. Bạn có thể hít đất 10 cái nhưng huấn luyện viên chỉ đếm 1 vì không đúng là Ranger push up.
- Chạy bộ 5 miles trong vòng 40 phút.
- Thoát hiểm dưới nước: Đi trên cây gỗ cao cỡ 35 ft, chuyển sang dây thừng, thả rơi xuống hồ. Sau đó leo lên đài cao 70 ft, đi giây tử thần xuống hồ.
- Hai ngày địa bàn ngày và đêm tìm các mục tiêu.
- Đi bộ 12 dặm dưới 3 giờ, với balô nặng 43 pounds chưa kể nước uống.
Ai không vượt qua được một trong những thử thách trên sẽ bị loại ra khỏi khóa Ranger trong ngày kế tiếp. Theo thống kê của trường Ranger School, 33% thí sinh bị đánh rớt trong tuần lễ đầu tiên. Đầu tuần lễ thứ 2, sĩ quan hướng dẫn, Đại Úy Moon, cho tôi biết 3 sĩ quan BĐQ Việt Nam đã ra khỏi trường Ranger School.
 
Camp Darby, FT Benning
Hai phần ba các học viên sẽ di chuyển về căn cứ Darby để tiếp tục khóa học. Chương trình chú trọng về tuần tiễu phục kích, thám thính cấp tiểu đội. Cũng tại đây, học viên có dịp vượt chướng ngại vật Darby Queen dài hơn 1 dặm. Mỗi Tiểu Đội sẽ thực tập hành quân (Field Training Exercise/ FTX) với hai huấn luyện viên gồm có một sĩ quan và một hạ sĩ quan. Tiếng Mỹ là Ranger Instructor (RI). Huấn luyện viên phát lệnh hành quân và tiểu đội thi hành theo kế hoạch của tiểu đội trưởng. Tất cả sẽ bị chấm điểm từ tiểu đội trưởng cho đến người khinh binh. Sáng hôm sau, hai huấn luyện viên cũ được thay bằng hai huấn luyện viên mới. Họ khỏe mạnh, không buồn ngủ tí nào và sẵn sàng ghi chép tất cả các lỗi lầm của các học viên. Mỗi lần đi field, học viên chỉ ăn MRE (Meal Ready To Eat) khi huấn luyện viên cho phép. Điều tôi sợ nhất không phải ăn một bữa mà là thiếu ngủ.
Sau trận phục kích đêm, tiểu đội phải rút về địa điểm mới. Nếu lạc đường thì coi như tai họa lớn vì khi tìm về địa điểm thì trời đã gần sáng. Lẽ dĩ nhiên hôm đó, mọi người sẽ ngủ ít hơn 3.5 giờ. Trong một bài học về phối hợp giữa lực lượng ‘leg’ và airborne, tôi nhảy dù sô đầu tiên tại căn cứ Darby bằng trực thăng. Cuối giai đoạn, ai không được nhiều hơn 50% GO trong các lần đi field thì bị loại. Tự đánh giá (peer ranking) cũng có thể là yếu tố góp phần vào quyết định đánh rớt. Học viên bị rớt có thể xin học lại khóa sau. Tiếng Mỹ gọi là Recycled. Gần đây, hai sĩ quan phụ nữ đầu tiên của quân đội Mỹ tốt nghiệp trường Ranger School đã phải lập lại Darby phase lần thứ 3. Cuối giai đoạn Darby, 75% học viên tiếp tục khóa học tại căn cứ Núi.

Giai Đoạn Núi (Moutain Phase)
Giai đoạn Núi kéo dài 21 ngày, bản doanh đặt tại căn cứ Camp Merrill gần Dahlonega, GA. Ngày đầu tiên, cả khóa được Chỉ Huy Trưởng căn cứ Núi chào mừng, “Rangers, F#@% You!” Cả khóa đáp lời, “F#@% You, Colonel!” Tôi không quen với văn hóa của quân đội Mỹ nên nghe mà lạnh lùng. Trong những ngày đầu, khóa học được huấn luyện về kỹ thuật hành quân miền núi. Tại ngọn núi Yonah Moutain, học viên học cách leo núi, xuống núi từ đỉnh, tải người bị thương, dụng cụ nặng xuống núi với các trang bị leo núi. Sau phần lý thuyết, mỗi học viên phải tham gia các phần thực tập đã qui định. Kế tiếp là hành quân vùng núi 10 ngày cấp trung đội bao gồm phục kích, đột kich trong các vùng núi nhỏ hẹp, nhảy dù xuống trên các bãi đáp chật, băng đồng leo qua ngọn núi, phục kích xe, đột kích cơ cở truyền tin, pháo binh, vượt sông, vượt qua núi có độ dốc cao.
Tới đây thì tôi hầu như kiệt sức vì các trang bị vùng Núi quá nặng. Không có luật nào cho phép nhỏ con thì mang ít dụng cụ hành quân. Lúc di hành, tôi phải chạy lúp xúp thì mới bắt kịp đội hình. Trung bình lính Mỹ đi hai bước thì tôi phải đi ba bước. Mục tiêu của tôi rất ngắn hạn: Cố gắng để tồn tại cho tới ngày mai. Trong giai đoạn Núi, tôi hưởng thêm món mới. Về đêm, khí hậu miền núi rất lạnh. Cũng may đây là khóa Summer Class. Mặc dù thời gian trôi quá chậm nhưng rồì cũng đến ngày tôi rời căn cứ Núi để đi Florida. Cuối giai đoạn lại thấp thỏm chờ đợi GO hay NO GO. Theo tài liệu, chỉ có 6% rớt trong giai đoạn Núi. Tôi lại may mắn được đi căn cứ Sình.
Giai Đoạn Sình (Florida Phase)
Giai đoạn Sình dài 19 ngày, ở căn cứ Camp James E. Rudder thuộc khu vực của Eglin Air Force Base, Florida. Tôi thuộc toán Airborne Ranger nhảy dù xuống Florida lúc chiều tối, phần còn lại của khóa đi xe bus về căn cứ Sình. Như tên gọi, căn cứ Sình là nơi huấn luyện về hành quân dưới nước (waterborne operation). Học viên được huấn luyện đổ bộ bằng thuyền nhỏ, kỹ thuật làm quen với rắn rết, kỹ thuật vượt sông, suối. Giai đoạn này chuyên về đột kích, phục kích, liên lạc với các lực lượng bạn. Kế tiếp là 10 ngày FTX. Xuất phát từ các tàu của Hải Quân, các toán Ranger dùng thuyền nhỏ chèo bằng tay để đổ bộ một nơi rất xa mục tiêu. Sau đó phối hợp với các toán khác để thực hiện hành quân cấp tiểu đội hoặc trung đội. Cứ thế mà tiếp tục. Ban ngày phục kích, ban đêm đột kích. Ngày kế tiếp là ngày mới, hai ông RIs mới, lệnh hành quân mới, mục tiêu mới.
Trở ngại lớn nhất cho tôi ở giai đoạn Sình là chiều cao. Tôi cao 1.63m, vừa đúng chiều cao để vào trường Võ Bị. Nhưng giai đoạn Sình xử sự với tôi không thương tiếc. Có lúc mực nước tới ngực, có lúc mực nước tới vai. Không thể làm gì khác hơn được vì toán quân đang di chuyển theo phương giác. “Ngài” huấn luyện viên ái ngại nên ban cho tôi vệt lân tinh khác thường để làm dấu tôi bơi yếu (weak swimmer). Tôi mệt mỏi. Tôi mơ thấy Sài Gòn. Tôi mơ thấy An Lộc. Tôi có thể bỏ cuộc bất cứ lúc nào. Trung bình mỗi ngày học viên ngâm mình trong nước 10 giờ. Trong lịch sử trường Ranger School, đã có tai nạn chết người vì cơ thể mất sức nóng khi ở trong nước quá lâu. Ngày dài nhất của căn cứ Sình đến trong tiếng reo hò của học viên. Tôi hoàn tất khóa Ranger. Cả khóa đi xe bus về trường Ranger School. Hôm đó trời mưa và tôi ngủ giấc ngủ ngon nhất trong cuộc đời.
 
Lời Kết
Khóa 9-74 Ranger Class làm lễ mãn khóa vào ngày thứ Sáu. Giấy tờ ghi là ngày 20 tháng 06 năm 1974. Số người tốt nghiệp 101 người, trong đó 53 sĩ quan bao gồm 5 sĩ quan đồng minh (kể cả tôi). Tôi không biết chính xác bao nhiêu người khi bắt đầu, nhưng nón sắt của tôi ghi tôi là Ranger #205. Theo tài liệu tôi đọc từ internet, tỷ lệ tốt nghiệp trung bình là 50%, trong quá khứ. Trong những năm gần đây, tỷ lệ này xuống rất thấp. Chẳng hạn như năm 2016 là 36.8%, năm 2017 là 33.1%. Tuy nhiên chỉ có 20%-25% tốt nhiệp trường Ranger School mà không phải học lại bất cứ giai đoạn nào.
Học viên tốt nghiệp được phát bằng tốt nghiệp và Ranger Tab đeo bên vai trái có giá trị suốt đời. Nếu phục vụ trong các Tiểu Đoàn Ranger thì được gọi là Ranger. Nếu không thì gọi là Ranger Qualified. Thông thường các ứng viên của quân đội Mỹ chuẩn bị rất kỹ lưỡng, trước khi nhập học. Họ bỏ ra thời gian dài để tự luyện tập hoặc họ có thể theo học lớp chuẩn bị cho Ranger Class dài 2 tuần lễ. Riêng các sĩ quan BĐQ, kể cả tôi, chỉ biết rất mơ hồ về Ranger School. Tôi nghĩ cùng lắm là như khóa Rừng Núi Sình Lầy. Tôi lầm. Trường Ranger rất tự hào về tiêu chuẩn (standard) của họ. Ranger Push Ups, Ranger Knots, Ranger Patrol. Tuần tiễu là tuần tiễu, nhưng Ranger Patrol phải nhất định là Ranger Patrol. Họ tự hào là nơi đào tạo “super soldier”.

Anh chị Cao văn Hải - Ngày họp mặt K25 Nam California
Sang Mỹ, tôi không thấy phố phường nhiều. Nhập trường Ranger School, tôi chui vô rừng ở. Từ đó, mệt mỏi, thiếu ăn, thiếu ngủ. Tu luyện 61 ngày. Ngày ra khỏi rừng có được Ranger Tab và một mảnh giấy có chữ Follow Me. Bạn đọc hỏi khóa học này có đáng cho tôi theo, hay không? Có lẽ đáng thiệt, vì Ranger là thử thách của một đời người cho người lính chiến Việt Nam Cộng Hòa.
 
Cao Văn Hải, K25
Nguồn Diễn Đàn HQPD - KQ/VNCH