Khoá 25 (1968-1972) Quyết Chiến Tất Thắng

Testing ...

Quote ...

Tuesday, August 9, 2022

HỒI ỨC CUA KÌNH THIẾT ĐOÀN 21 - Nguyễn văn Bé K25

Nguyễn văn Bé
 

Khóa 25 ra trưòng, về binh chủng Thiết Giáp 10 sĩ quan, tất cả được đưa về  thụ huấn khóa 47 Căn Bản Thiết Giáp tại Trung Tâm Huấn Luyện Thiết Giáp Long Thành, học chung cùng nhiều sĩ quan tốt nghiệp từ các quân trường bạn. Phạm Đông An là thủ khoa còn tôi là Á khoa, nên tôi chắc mẫm là mình sẽ được về Thiết Đoàn 16 đóng tại Vàm Cống Long Xuyên, là quê nhà.

Nhưng sau đó, có lệnh là tất cả 10 sĩ quan Võ Bị phải đưa về Thiết Đoàn Chiến Xa (gồm các xe thiết giáp có trọng tải lớn như M.48 . . . khác các Thiết Đoàn Thiết Kỵ chỉ là loại M.113) và được phân bổ như sau:

Nguyễn xuân Thắng
Thiết Đoàn 20, hậu cứ tại Quảng Trị gồm có: NGUYỄN XUÂN THẮNG, LÊ HỮU TUẤN, VÕ KHÔI.
Thiết Đoàn 21, hậu cứ tại Pleiku gồm có: NGUYỄN VĂN HAI, NGUYỄN VĂN BÉ, BÙI THIỆN HOÀN, NGUYỄN HỒNG, TRẦN NGỌC ĐIỀN, ÔNG THOẠI ĐÌNH.

Thiết Đoàn 22, hậu cứ tại Long Bình chỉ thủ khoa PHẠM ĐÔNG AN.

Tất cả 10 anh em Võ Bị đều nắm Chi Đội Trưởng, chỉ huy 5 chiến xa. Một năm sau, 1974, Bùi Thiện Hoàn, Ông Thoại Đình, Nguyễn Văn Bé đều là Chi Đoàn Phó cho đến ngày bỏ cuộc. Dự trù đến giữa năm 1975 tất cả sẽ được điều về học khóa Trung Cấp để lên Chi Đoàn Trưởng, cũng như hy vọng sẽ cài ba hoa mai trên ve áo.

Võ Khôi
 

Trong năm 1974, Nguyễn Văn Hai và Trần Ngọc Điền thuyên chuyển về Thiết Đoàn 3 Thiết Kỵ M.113. Riêng Nguyễn Hồng thì về ban 5 Thiết Đoàn. Một hôm, Chỉ Huy Trưởng Thiết Giáp Lý Tòng Bá đến thanh tra Lữ Đoàn 2 Kỵ Binh, biết việc Nguyễn Hồng làm ban 5 đã la:  

-   Sĩ Quan Võ Bị mà ông xài như vậy sao, không xài thì trả lại cho tôi.  Sau đó, Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng đã điều Nguyễn Hồng về lại Chi Đoàn 1 Chiến xa cùng với tôi (Nguyễn văn Bé).

Ngày 16 t̀háng 3 năm 1975, từ Pleiku, Thiết Đoàn 21 là đơn vị di tản sau cùng. Chi Đoàn 3 của Ông Thoại Đình đi trước nên vượt thoát. Chi Đoàn 1 của tôi bọc hậu nên bị kẹt lại khi cầu sông Ba bị giựt sập.

Khi vượt sông, chiến xa của Nguyễn Hồng đi trước, vừa leo lên bờ thì phát hiện VC nhắm bắn từ dưới gầm xe nhưng  không thể lùi xe được vì chiến xa phía sau tài xế đã bị pháo kích chết chân ga vẫn còn đạp nên ủi sát chiến xa của Nguyễn Hồng. Xe của Hồng bị bắn thủng ghế ngồi Trưởng xa, Nguyễn Hồng nhảy ra khỏi xe, người bị nám đen.


Ngày 17 tháng 3 năm 1975, toàn bộ 670 sĩ quan các cấp thuộc các tỉnh Pleiku, Kontum, Ban Mê Thuột . . .đều bị đội quân chính quy Bắc Việt thuộc Đoàn  655 bắt làm tù binh. Trong đó có Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm, Phụ Tá Hành Quân Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và 8 Đại Tá.

Phải nói Đoàn 655 quản lý chúng tôi đúng quy chế tù binh, họ không hề mắng chửi hay bắt học tập chính trị như anh em đi học tập cải tạo sau này. Từ Đại Tá trở xuống cấp úy, ăn uống chung một tiêu chuẩn. Riêng Chuẩn Tướng Cẩm thì hưởng quy chế riêng. Đầu năm 1976, Chuẩn Tướng Cẩm, 8 vị Đại Tá và 4 nhà truyền giáo người Canada bị chuyển ra Hà Nội.

Ngày 27 tháng 3 năm 1976, sau hơn một năm bị giam giữ , tôi được phóng thích trở về nguyên quán. Giấy tờ ghi rõ PHÓNG THÍCH  chứ không phải ra trại. Lúc đó chế độ quân quản cũng không biết rõ chính sách đối xử với thành phần phóng thích này như thế nào nên không có việc quản chế hay trình diện địa phương gì hết.

***

Trở về đời sống dân sự, hôm xếp hàng đi làm Chứng minh Nhân dân, tôi gặp một ông bạn đeo nhẫn Võ Bị đứng trong hàng, hơi  ngờ ngợ, nhưng để chắc ăn, tôi lại gần và hỏi:

- Chào chú em, mẫu nhẫn này làm ở đâu mà đẹp quá, tôi muốn làm một chiếc giống như vậy.

- Dạ , cái này ở ngoài đâu có . Đặc biệt chỉ anh em trong trường mới có mà thôi .

- Trường nào vậy ?

- Trường Võ Bị Quốc Gia ở Dalat

- Chú khóa mấy ?

- Dạ 28

- Tôi khóa 25 đây

Tôi đã gặp NGUYỄN VĂN HƯỜM  F.28 như thế đó .Hườm đang sống tại Bình Hòa,  Long Xuyên. Sở dĩ Hườm không nhận ra tôi vì mùa Tân Khóa Sinh 28, tôi và Huỳnh Văn Ẩn  là SVSQ Cán bộ Huấn Luyện Viên Khoa Thể chất, chỉ dạy cận chiến nên khóa 28 ít nhớ mặt.

***

Đổ vi Tân

Tôi cũng gặp
ĐỖ VI TÂN, thằng bạn cùng khóa, bây giờ là xếp Trung Tâm Tín Dụng Mỹ Phước, Long Xuyên, có rất nhiều chi nhánh. Hiện Tân còn đang đầu tư một cơ sở nuôi yến sào.

Do nhu cầu sinh hoạt, một hôm tôi đến một chi nhánh tín dụng gần nhà vay 12 triệu, nhân viên tại đây xem xét giấy tờ rồi hẹn ba ngày sau sẽ cho biết kết quả. Gọi báo cho Tân hay thì nó bảo: mày chờ đó , tao vào ngay.

Đích thân hai vợ chồng Tân lái xe từ Long Xuyên vào tận chi nhánh và giao ngay cho tôi 12 triệu tiền mặt, không khấu trừ trước tiền lãi suất như thông lệ và cũng không ký giấy tờ gì hết. Tân chỉ cầm sổ đỏ làm bằng mà thôi.

Khi đáo hạn hoàn trả, nhân viên chi nhánh không tìm thấy hồ sơ vay nợ hay sổ đỏ của tôi. Hỏi ra mới biết, Tân giử sổ đỏ tại trụ sở chánh của Tân như một vật lưu niệm mà thôi.

Tình bạn khóa 25 là vậy đó.

Hiện gia đình mình  gồm 3 người con, một gái lớn và hai con trai. Con gái lớn và cậu út đều là giáo viên. Con trai giữa làm bên ngành xây dựng cầu đường thuộc Công ty Địa Ốc An Giang.

Thằng con mình quen một cô giáo, đến nhà chơi chợt nhìn thấy một số hình ảnh quen thuộc của TVBQGVN, về nhà nó nói với cha: Sao bác ấy cũng có những tấm hình giống trong album của ba”.

Hỏi ra mới biết người ấy là TRẦN TẤN RẦN khóa 30.

Quả là trái đất tròn và cũng khá nhỏ hẹp. Bây giờ tôi và nó là sui gia. Thôi thì anh cũng được mà có gọi là Niên Trưởng thì càng vui.

***

Nói đến binh chủng Thiết Giáp, nó cũng có những cái kiêng kỵ của nó. Giống bên Hải Quân, Thiết Giáp tối kỵ không cho đàn bà con gái leo lên chiến xa. Tôi nhớ có trường hợp nghệ sĩ Bạch Tuyết và bà Trùng Dương chủ nhiệm nhật báo Sóng Thần khi đi thăm viếng ủy lạo anh em một đơn vị Thiết Giáp, đã leo lên pháo tháp chụp hình lưu niệm. Ít lâu sau, Chi Đội Trưởng của đơn vị đó tử thương.

Có chuyện vui liên quan đến cái quần xà lỏn. VC có câu tuyên truyền rằng đánh đến còn cái lai quần cũng đánh, nhưng lính Thiết Giáp  có lúc chỉ còn một cái quần xà lỏn mà thôi, mặc dù mỗi năm  có ba lần cấp phát quân trang bổ sung. Tiền lính tính liền do nhu cầu chi dùng họ bán sạch sành sanh kể cả quần xà lỏn được cấp phát.

Pleiku đâu có nhiều sồng rạch nên mỗi chiều đều có xe bồn chở nước cho anh em tắm. Mùa TKS, chúng ta từng cùng nhau tắm trần truồng như nhộng, nhưng có bao giờ các bạn thấy cảnh một đám đàn ông nhông nhông, một tay cầm quần xà lỏn ướt nhảy tưng tưng, tay quay quay quần cho ráo nước, chờ khô để mặc vào hay không.


Là Chi Đoàn Phó,  tôi không thể để việc này cứ xảy ra, một hôm tôi tập họp toàn Chi Đoàn lại, trừ hơn 20 người có gia đình thì cho về Trại Gia Binh, còn lại đám độc thân gần 90 mạng, xếp hàng ngay cạnh xe bồn chứa nước, tôi ra lệnh:

- Các anh nên biết, khi còn bé, các anh ở truồng thì đẹp thật. Nhưng bây giờ, các anh cả đám nhông nhông như vậy thì chả giống ai cả. Kỳ lương này, tất cả các anh mỗi người đ̣ều phải có 2 cái quần xà lỏn để thay đổi khi tắm.

Từ đó hết cảnh lính Thiết Giáp không quần thay. Ngay đầu tóc cũng vậy, mỗi tháng đến ngày hớt tóc, tôi là người đầu tiên leo lên ghế hớt 3 phân và chỉ thị cho anh lính thợ:  Hớt cho mọi người giống như tôi, ai không chịu, cạo trọc luôn, đó là lệnh của tôi.

Giờ nghỉ lại , không biết mình có quá recglo không hỡi mấy ông thần Võ Bị? 

***

Đã  72 tuổi, quá tuổi thất thập cổ lai hi rồi!  Lưng đã còm, da đã nhăn. Gặp lại Châu Sadi khi nó về quê lo hậu sự cho mẹ già, tâm tình, nhớ đâu nói đó, hy vọng mua vui cho anh em trong giây phút. 

ĐỖ NGỌC CHÂU (Chấp Bút)


*Viết theo lời kể của CSVSQ Nguyễn văn Bé (Bự) K25