Khoá 25 (1968-1972) Quyết Chiến Tất Thắng

Testing ...

Thursday, May 22, 2025

Khoa Học Đằng Sau Các Bài Thuốc Dân Gian


Oải hương (Lavender), húng quế (Basil), hoa cúc Âu châu (Chamomile) và cây thì là (Fennel) đều có truyền thống lâu đời là nguyên liệu trong những bài thuốc dân gian giúp hạ huyết áp. Rau mùi (Cilantro) từ lâu đã được cho là thuốc chống co giật dành cho những người bị động kinh (Epilepsy).

Các nhà nghiên cứu của Trường Y khoa UCI hiện đã khám phá ra cách các loại thảo dược này hoạt động ở cấp độ phân tử, mở ra con đường phát triển việc dùng cây cỏ thiên nhiên để điều trị những bệnh trạng nói trên và có thể là những bệnh trạng khác.

Geoffrey Abbott, Tiến sĩ, giáo sư tại Khoa Sinh lý học và Vật lý sinh học của trường y khoa UCI, người có phòng thí nghiệm dẫn đầu nỗ lực nghiên cứu, cho biết: 

"Chúng tôi đang thực hiện phương pháp khoa học chính xác để tìm hiểu cách thức hoạt động của các loại thuốc thực vật."

Ông cho biết thêm:

"Chúng tôi thật sự thỏa mãn khi có thể nhìn vào các loại thực vật được các nền văn minh cổ đại sử dụng và nói rằng chúng ta hiện đã hiểu một phần công dụng của chúng."

Thảo dược làm giảm huyết áp như thế nào?


Các nhà khoa học đã thử nghiệm 10 loại thảo dược khác nhau được biết là có tác dụng hạ huyết áp để xem liệu chúng có kích hoạt gen KCNQ5 hay không, đây là một loại potassium có ở các cơ trơn xung quanh mạch máu (smooth muscles surrounding blood vessels).

Tất cả các loại thảo dược — hoa oải hương, húng quế, hoa cúc, hạt thì là, húng tây, kinh giới cay, gừng, rễ Sophora (cây Hoè) Việt Nam và rễ Sophora flavescens (lavender, basil, chamomile, fennel seed, thyme, oregano, marjoram, ginger, Vietnamese Sophora root and Sophora flavescens root ) — đều kích hoạt KCNQ5, giúp thư giãn các cơ để cho cùng một lượng máu chảy qua các mạch máu nhưng ở áp suất thấp hơn.

Abbott cho biết: "Từ những kết quả của sự nghiên cứu, chúng tôi có thể khẳng định một cách khá chắc chắn rằng việc kích hoạt KCNQ5 ít nhất là một phần của cơ chế hoạt động để hạ huyết áp trong tất cả 10 loại thực vật hạ huyết áp mà chúng tôi đã thử nghiệm. Chúng tôi khá sửng sốt trước những phát hiện này".

Hoa oải hương (Lavender), tinh chế hạt thì là (fennel seed extract) và hoa cúc (chamomile) là những chất kích hoạt potassium KCNQ5 hiệu quả nhất.

Ông cho biết: "Đây là một cách suy nghĩ mới về việc hạ huyết áp. Nhưng thực ra lại là một phương pháp rất cũ, vì con người đã sử dụng chúng trong hàng ngàn năm trước mà không biết chúng tác động như thế nào.”

Rau mùi làm giảm co giật như thế nào?


Y học dân gian và y học hiện đại đã tìm thấy một số lợi ích từ rau mùi (cilantro), từ giảm đau và viêm đến bảo vệ chống lại ung thư da. Nó cũng đã được sử dụng trên khắp Trung Mỹ (Central America), Địa Trung Hải (Caribbean) và nhiều nền văn hóa khác trong hàng trăm năm để giảm sự co giật ở những người bị động kinh (epileptics).

Thực tế là, sự gián đoạn của các chất KNCQ2 và KCNQ3 có thể gây ra co giật. Nhóm nghiên cứu của viện Đại Học UCI cho rằng rau mùi có thể hoạt động theo cùng cách mà các loại thảo dược đã làm để mở chất KCNQ5. Hóa ra, họ đã đúng - nó mở các huyết mạch não và làm giảm co giật.

Abbott giải thích rằng "Chúng tôi phát hiện ra rằng một trong những hợp chất trong rau mùi là chất kích hoạt chất KCNQ rất mạnh và đã phát hiện ra căn bản phân tử cho tác dụng chống co giật của rau mùi".

Liệu những loại thảo dược này có thể thay thế thuốc tây hay không?


Mặc dù Abbott đã nhận thấy rằng những loại thảo dược nói trên có tiềm năng lớn trong việc giúp hạ huyết áp, giảm co giật và hỗ trợ nhiều bệnh trạng khác, ông khuyến cáo rằng quần chúng không nên ngừng dùng bất kỳ loại thuốc nào được kê đơn cho những bệnh trạng này.

Có thể có giá trị — và ít gây hại — khi dùng thảo dược, mặc dù điều này chỉ có thể làm giảm huyết áp xuống một vài điểm, ông nói.

Nhưng nếu chúng ta muốn dùng bất kỳ loại nào trong số các loại được gọi là dược phẩm bổ sung (nutraceuticals) — hoặc thảo dược (herbal supplements) — hiện đang được bán trực tuyến và tại các cửa hàng thực phẩm tốt cho sức khỏe (health food stores), ông khuyên chúng ta nên nghiên cứu cẩn thận trước vì hầu hết những loại này không được FDA chấp thuận hoặc thử nghiệm về độ an toàn và hiệu quả như thuốc tây.

Abbott cho biết: "Hãy xem nguồn đáng tin cậy như thế nào, các quy trình an toàn được sử dụng, liệu nhà sản xuất có được chứng nhận hay không. Chỉ vì chúng là sản phẩm thiên nhiên, không có nghĩa là chúng an toàn".

Hướng về tương lai


Abbott tin rằng tương lai để phát triển các hợp chất dinh dưỡng và thuốc dựa trên những phát hiện nghiên cứu này rất tươi sáng. Nhưng điều đó chỉ đến sau khi có nhiều nghiên cứu hơn được tiến hành. Trong tương lai, ông muốn thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về hiệu quả của các loại thảo dược này đối với toàn bộ con người.

Ông bắt đầu quan tâm đến thực vật như một loại thuốc sau khi một trong những học viên hậu tiến sĩ của ông, Rian W. Manville, phát hiện ra một thành phần trong một loại cây mọc từng cụm ở Châu Phi có tác dụng kích hoạt potassium KCNQ2/3. Nhưng nó không giúp ích cho chứng động kinh. Các thử nghiệm tiếp theo cho thấy cần có hai hợp chất trong cây — và khi chúng được kết hợp với nhau, chúng sẽ có tác dụng chung một cách hiệu quả hơn để mở  cho KCNQ2/3 và ngăn ngừa chứng động kinh.

Sau đó, các nhà nghiên cứu bắt đầu quan tâm và khám phá xem các loại thảo dược thường được sử dụng ở Hoa Kỳ có hoạt động theo cách tương tự hay không. Họ bắt đầu thu thập các loại thảo dược từ các siêu thị địa phương và phân tích chúng, cuối cùng đã dẫn đến những khám phá quan trọng này.

Abbott cho biết hiện họ đang nghiên cứu khoảng 3,000 loại thực vật được sử dụng trong y học truyền thống của người Mỹ bản địa (dân da đỏ) và hiện đang thực hiện các chuyến đi thực tế đến nhiều công viên quốc gia (national park) khác nhau, nơi Abbott có giấy phép nghiên cứu để thu thập thực vật dùng để nghiên cứu trên phương diện khoa học.

Bùi Phạm Thành

Nguyên tác:

The science behind folk remedies
https://www.ucihealth.org/blog/2019/10/folk-remedies