Khoá 25 (1968-1972) Quyết Chiến Tất Thắng

Testing ...

Quote ...

Sunday, August 14, 2022

Alfa đỏ, một trời yêu thương - Lê văn Đìền K25

 

01- AI NGƯỜI TRI KỶ !

 Tri kỷ là một loại tình cảm vô cùng thiêng liêng. Khác hẳn với tình đồng môn hay tình chiến hữu. Tri kỷ không đòi hỏi ngôn ngữ và càng không vì  những tương tác vật chất mà xác định. Nói đúng hơn, đó chính là sự cảm nhận thâm sâu mà ngôn ngữ bất lực. Một cái nắm tay siết chặt trong im lặng, nhìn vào đôi mắt để cảm thấy chính mình hòa chung niềm vui hay chia sẻ nỗi đau xé thịt. Thế thôi, đơn giản vậy thôi nhưng không dễ dàng thực hiện được.

Quí bạn của tôi ơi ! Có lần nào quí bạn đã khóc khi nhìn người bạn tâm giao từ từ nhắm mắt từ giã cuộc đời trong thời gian "tù đày" ở miền Việt Bắc, hay đau xé ruột gan khi phải bỏ lại một đệ tử gục ngã trong mặt trận mà không thể nào lấy xác được !! Có không??? Chắc chắn là có, và có thể đã rất nhiều lần trong những năm chiến đấu ngoài mặt trận.

Trang website "Quyết Chiến Tất Thắng" của khóa 25 chúng ta, một tập thể cựu SVSQ/TVBQGVN, là những sĩ quan Võ Bị đã một thời Sinh- Tử trong cuộc chiến, đã nằm gai nếm mật trong lao tù Cộng Sản VN, đã mất gia đình, tài sản, mất một phần thân thể và mất mát to lớn nhất, đó là quê hương. Và điều quan trọng hơn mà cá nhân người viết muốn gởi tặng các bạn, những người đã một thời thụ hưởng nền giáo dục nhân bản tuyệt vời của Việt Nam Cộng Hòa, đã biết "yêu" và "ghét" trong sự tự do lựa chọn, đã mạnh mẽ phê phán mà không sợ bị tù đày, kiểm thảo, và đã uất hờn như "Hổ nhớ rừng" khi nhớ lại "Thời oanh liệt ". Dẫn nhập như vậy là người viết muốn "tặng" các bạn một chút hoài niệm về kiệt tác "Hồ Trường" của nhà cách mạng Nguyễn Bá Trác, người đã từng tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu và hưởng ứng phong trào Đông Kinh của cụ Phan Chu Trinh vào đầu thập niên 20 của thế kỷ trước.

 

Tại sao lại là "Hồ Trường "? Đơn giản thôi, các bạn đa phần là những người trong tâm trạng của kẻ : " Chí ta, ta biết, lòng ta, ta hay ! " Ai người tri kỷ, lại đây cùng ta cạn một hồ trường ". Trở lại năm 1967, khi còn là sinh viên trọ học tại Sài Gòn, một tối tôi nghe mảng âm thanh dày đặc , sôi sục, ai oán trong tâm trạng "bất đắc chí" mà người diễn ngâm đã xuất thần diễn tả trong chương trình văn nghệ đài truyền hình đen trắng tại Sài Gòn. Cái TiVi đen trắng của nhà trọ đã làm tôi run lên theo từng âm điệu của thi phẩm Hồ Trường. Lúc ấy, tôi mới cảm nhận được thế nào là "tình yêu quê hương, nỗi hờn vong quốc ". Hồ Trường dẫu có rót về đâu, cũng chỉ còn là những âm thanh cô độc, để người còn một chút tâm huyết với quê hương, dùng làm hơi ấm sưởi lạnh mùa đông. Mùa đông của những người xa xứ mang trong lòng nỗi uất hận thiên thu ! 

“Hồ trường ! Hồ trường! Ta biết rót về đâu?

- Rót về đông phương, nước biển đông chảy xiết sinh cuồng loạn,

- Rót về tây phương, mưa phương tây từng trận chứa chan,

- Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vi vút cát chạy đá dương,

- Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người qua chén, như điên như cuồng,

Nào ai tỉnh, nào ai say !”


02- LỜI BÀN "MAO TÔN CƯƠNG"

Diễn ngâm Hồ Trường phải thể hiện được nét bạt mạng, hào phách. Đau đớn nhưng không hề rơi lệ, khắc khoải nhưng không gục ngã trước bất kỳ nghịch cảnh nào. Gịong ngâm khàn khàn một chút, không cần điêu luyện nhưng phải tỏa được cái "hồn" của bài thơ.

" Trời nam nghìn dậm thẩm , mây nước một màu sương ",

 " Trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương ".

Gương mặt người diễn ngâm phải xương xẩu một chút, đôi mắt nhìn ngước lên xa vắng, thế mới "phê" khi thưởng thức tuyệt phẩm "Hồ Trường ". Tại sao người viết lại rắc rối thế này, đòi hỏi quá nhiều thì tìm đâu ra ?? Xin thưa ! Đã thưởng thức thì phải dùng hết Volume, đừng tiếc. Ví dụ như hôm nào khí trời lành lạnh, ngồi tại quán phở bò nổi tiếng, bên người bạn "tri kỷ" thì phải xài hết : "Tái, nạm, gầu, hành trần và nước béo ". Lỡ bị mỡ máu một chút cũng chả sao. Tới luôn, để :

"Thà một chút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói mãi năm canh “ .


Diễn ngâm "Hồ Trường" nên là giọng nam, mới lột tả được "nét" trượng phu, hào kiệt. Người thanh thanh, gầy gầy, phảng phất một chút khắc khổ. Tóc để dài phủ ót. Mặc quần jean bạc màu hoặc kaki cũ vết. Tại sao lại phải là người bụng thon, râu riu chưa cạo. Vì như thế mới thể hiện nét phong trần, bôn ba viễn xứ, đúng với hoàn cảnh mà thi phẩm này được sáng tác. Người có bụng lớn, bệ vệ sẽ "mang màu sắc" của sự đầy đủ, xa hoa, như vậy làm sao diễn đạt được nét phong sương mà tác gỉa đã viết ra tuyệt phẩm này. Còn một đề nghị nữa, xin các bạn ráng nghe, nếu có buột miệng "chưởi thề " thì người viết cũng cam lòng. Khi đã yêu cầu người diễn ngâm đáp ứng những đòi hỏi trên, thì phía khán thính giả cũng phải đáp lễ cho trọn phim trường. Người nghe nên uống chút rượu Whisky có độ cồn cao một chút để "ngà ngà" hơi men. Không nên uống bia, vì bụng sẽ lớn, dễ đi tiểu tiện mất hay. Không nên ăn quá no, vài món nhậu đưa hơi là đủ. Đèn đuốc nên mờ nhạt một chút, không ồn ào trò chuyện. Tất cả, tất cả cũng chỉ vì nghệ thuật, vì sự khai thác trọn vọn một kỳ thú của đời. Khi đạo diễn những siêu phẩm nghệ thuật, thì người ta cũng phải chọn lựa khó khăn như vậy thôi, đâu riêng gì người viết  ! Phải không các bạn ta !!!

Trong cuộc đời, đôi khi chết vì tri kỷ. Mà tri kỷ "nam" còn nhẹ tội, chứ gặp "hồng nhan tri kỷ" thì hết đường rút lui, không làm sao triệt thoái ! Yêu quê hương, dân tộc không cần những lý luận chủ nghĩa, mà đôi lúc chỉ cần một hình ảnh mẹ gìa, một bờ tre đầu làng thời niên thiếu, hay một bóng hình mộc mạc của cô thôn nữ làng quê.

Hạnh phúc nhất của đời người là được "sống lại" những gì mình yêu mến, trước khi "đi về" một nơi xa xôi nào đó. !.

Alfa đỏ, một trời yêu thương

Soi bóng hồ, vạt áo phong sương

Một thời ! 

Alfa đỏ chìm theo lãng quên

Có ai về, đồi núi Lâm Viên

Nhắn cùng !!

Nhắn người về, từ cõi thiên thu

Vũ-Đình-Trường rợp cờ quê hương,

Uất hờn !!

 

Lê Văn Điền (K.25)

Australia, August 2022