Khoá 25 (1968-1972) Quyết Chiến Tất Thắng

Testing ...

Quote ...

Monday, August 22, 2022

KỶ NIỆM BUỒN VUI ĐỜI BINH NGHIỆP - Nguyễn văn Hợi K25

 


Mỗi người đều có lý tưởng cho cuộc đời mình sau khi rời trường trung học. Tôi được sinh ra và lớn lên trong một đất nước đang chiến tranh, luôn cần đến những thanh niên gia nhập quân ngũ để bảo vệ Tổ quốc. Và tôi đã vào trường Võ Bị Đà Lạt năm 1968 để được thu huấn bốn năm, trở thành một sĩ quan hiện dịch.

Khi đã chọn đời binh nghiệp có nghĩa là chấp nhận mọi gian khổ, kể cả sự hy sinh. Sau khi ra trường tháng 12 năm 1972, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp là có những kỷ niệm đáng ghi nhớ, in đậm trong tiềm thức khó mà quên. Người ta thường nói “người muốn không bằng Trời muốn”, bởi vậy cho nên tên tôi nằm trong danh sách cuối của bảng 1. Nếu được may mắn hơn thì tôi đã được ở đầu danh sách của bảng 2 rồi. Và biết đâu mọi sự sẽ thay đổi?

Khi ra trường, các bạn trong bảng 1 lần lượt chọn được quân binh chủng như ý mình mong muốn. Đến phiên tôi thì chỉ còn binh chủng bộ binh mà chẳng ai muốn chọn, đó là Sư đoàn 22 Bộ binh. Sau cuộc tuyển chọn cho cả khóa, anh em nào muốn hoán chuyển cho nhau thì cùng lên gặp ban tuyển chọn.

 

Trần Quý Cảnh là người bạn mà tôi gặp vào ngày đầu nhập trại Hầm ở Trung tâm huấn luyện của Cảnh sát Dã chiến Đà Lạt. Bạn có giọng nói khá ngô nghĩnh của người miền Quảng Nam - Quảng Ngãi, mà tôi là người miền Nam nên khó hiểu bạn nói gì? Bạn Cảnh đã chọn Sư đoàn 23 Bộ binh và muốn tìm người để hoán chuyển sang Sư đoàn 22 Bộ binh để bạn được về gần nhà.

Tôi đang buồn vì phải xa gia đình, thấy bạn muốn hoán chuyển nên nghĩ rằng Sư đoàn 22 hay 23 cũng vậy thôi nên đã bằng lòng hoán chuyển với bạn. Thế là tôi sẽ về Ban Mê Thuột còn bạn được về gần nhà bạn. Vậy cũng tốt thôi!

Trước khi về đơn vị mới, tôi có 10 ngày phép về Saigon thăm gia đình. Tôi thường lang thang một mình trong các rạp chiếu bóng mà tâm trạng rất hoang mang, không biết về đơn vị rồi sẽ ra sao? Những ngày phép qua thật nhanh, tôi đi máy bay ra Ban Mê Thuột nhận đơn vị mới của đầu đời binh nghiệp.

Khóa 25 ra trường có 9 người cùng về Sư đoàn 23 Bộ binh. Đó là Đỗ Minh Cao, Lâm Minh Văn, Đỗ Hoàng Vân, Huỳnh Minh Thanh, Phan Đạm Tín, Cao Danh Hãn, Nguyễn Văn Sơn, Huỳnh Văn Châu và Nguyễn Văn Hợi. Sau khi trình diện Tướng Trần Văn Cẩm, Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng tôi được cho tá túc ở bên cạnh Sư đoàn để chờ bổ sung về các Trung đoàn.

 

Tình hình lúc đó vẫn còn rất sôi động nên Tướng Cẩm giữ anh em chúng tôi lại để chờ sau khi có Hiệp định Paris và lệnh ngưng bắn ngày 27-1-1973 mới cho chúng tôi ra đơn vị về Trung đoàn nhận nhiệm vụ.

Thời gian nầy, do tình hình chiến sự nên chúng tôi chưa được lãnh lương, mà tiền bạc mang theo cũng đã tiêu hết nhẵn. Cả bọn đều đói vì không có tiền nên đành ăn gạo sấy và thịt hộp mỗi ngày hai bữa, ngán đến tận cổ nhưng cũng ráng mà chịu đựng.

Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 23 BB

Cuối cùng thì chúng tôi cũng được phân phối ra đơn vị, mỗi đứa mỗi nơi. Đầu tiên, tôi về Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 53 với Thiếu tá Nguyễn Bê khóa 18 VBĐL làm Tiểu đoàn trưởng. Sau đó, Thiếu tá Nguyễn Văn Lâm khóa 19 thay thế vì Thiếu tá Bê lên làm Trung đoàn phó ở trung đoàn 45.

Tôi được đưa về ĐĐ1/TĐ1/53 làm đại đội phó cho Thiếu úy Long. Anh có nhiều kinh nghiệm chiến trường và binh lính rất tin tưởng nơi anh. Khoảng 6 tháng sau thì tôi được điều qua giữ chức vụ quyền đại đội trưởng ĐĐ3/TĐ1/53. Lúc bấy giờ được điều thêm hai Chuẩn úy mới là Nguyễn Văn Bảo và Trần Văn Ngộ, nắm trung đội trưởng 2 và 3. Còn hai chuẩn úy cũ thì làm đại đội phó và trung đội trưởng trung đội 1. Mỗi trung đội đều có một người lính mang máy truyền tin để liên lạc.

Ở Vùng II Chiến thuật, mặt trận rừng núi thường đối đầu với những sư đoàn thiện chiến của CS Bắc Việt rất cam go và khó khăn. Họ thường dùng chiến thuật bám chốt và pháo kích hàng loạt vào quân ta. Họ dùng lối đánh du kích nên khi nào ta chạm địch thì mới phát hiện được chứ khó biết địch ở đâu chính xác để tiêu diệt.

Có khi đi hành quân, nghe tiếng pháo kích hàng loạt thì chỉ còn cách dạt vào gốc cây để tránh. Khi pháo kích dứt là AK và phòng không 12 ly 7 nổ lên inh ỏi, cướp tinh thần của binh lính. Nếu ta không bình tĩnh, gan dạ để án ngữ chống trả lại mà bỏ vị trí thì vô cùng nguy hiểm cho đơn vị mình.

Trong chiến trận, cấp chỉ huy rất quan trọng, binh sĩ luôn nghe theo người lãnh đạo mình. Vì thế phải có tinh thần đồng đội cao và trách nhiệm để hướng dẫn binh sĩ theo những gì mình đã được thụ huấn ở quân trường, cộng thêm những kinh nghiệm đã trải qua trên chiến trường.

Những ngày Hành quân
 

Rồi thời gian qua, cuối năm 1974 tôi vẫn giữ chức vụ Đại đội trưởng và về tỉnh Quảng Đức. Trong một trận đánh ở Dak Song, tôi bị thương ở chân trái và được trực thăng tản thương về Ban Mê Thuột. Nằm dưỡng thương được một tháng, tôi được đi phép về Saigon thăm gia đình. Khi trở ra đơn vị thì nhận được sự vụ lệnh về trình diện Bộ Tổng tham mưu để đi học mật mã truyền tin. Tại đây tôi gặp lại hai bạn Phan Đạm Tín và Văn Quý Mạnh của K25 và NT Nguyễn Văn Đằng K24 cùng được thuyên chuyển về học khóa truyền tin.

Tôi nghĩ rằng mình rất may mắn được về Saigon học truyền tin và sau khi mãn khóa sẽ ra đơn vị mới. Gia đình cũng không còn lo lắng nhiều như trước đây nên tôi cũng an tâm. Nào ngờ vận nước đổi thay kể từ tháng tư năm 1975. Tôi bị vào tù cải tạo tập trung, trải qua các nhà tù ở Trảng Lớn, Suối Máu và cuối cùng là Tống Lê Chân. Sau hơn 5 năm tôi mới được trả tự do về với gia đình.

Rồi chương trình HO ra đời, tôi và gia đình được sang Mỹ định cư năm 1995, bắt đầu làm lại cuộc đời ở cái tuổi không còn trẻ nữa. Vợ chồng tôi chịu thương chịu khó, chấp nhận làm công việc lao động cực nhọc để nuôi các con ăn học và trưởng thành. Sau hơn 22 năm làm việc, tôi cũng đã về hưu an hưởng tuổi già.

Gia đình tôi tri ân chính phủ Mỹ đã mở rộng vòng tay để cưu mang những người Việt tị nạn đến đây vì bị ngược đãi lý lịch trên chính quê hương mình. Xin nhận đất nước Hoa Kỳ làm quê hương thứ hai và mong rằng các thế hệ con cháu sẽ góp phần nhỏ xây dựng quê hương mới.

Gia đình bạn Nguyễn văn Hợi
 

Cuộc đời binh nghiệp của tôi tuy ngắn ngủi, bốn năm quân trường và hai năm chiến trường, nhưng đã để lại trong lòng tôi những dấu ấn khó phai mờ. Tình bạn khóa 25 nay đã được 50 năm với biết bao kỷ niệm mà mỗi khi có dịp gặp nhau, nhắc nhớ hoài không chán.

Hai năm chiến trường đối diện với hiểm nguy nhưng tình đồng đội vô cùng thân thiết. Những Niên trưởng là cấp chỉ huy luôn dành cho khóa đàn em sự quan tâm đặc biệt. Còn các binh sĩ dưới quyền lúc nào cũng thi hành theo lệnh của cấp trên. Tình đồng đội “huynh đệ chi binh’ đã gắn bó mọi người với nhau để thực hiện lý tưởng chung bảo vệ Tổ quốc.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, cùng với vận nước nổi trôi, kẻ còn người mất! Bao nhiêu người lính VNCH đã hy sinh trên chiến trường hoặc mất đi vì bệnh tật hay tuổi già. Những người còn ở lại, đang sống trên quê nhà hay tha phương nơi xứ người, vẫn còn lưu giữ trong tâm tưởng những kỷ niệm buồn vui đời binh nghiệp dù ngắn hay dài…

Nguyễn Văn Hợi