Tôi sinh ra và lớn lên trên bờ con kinh xã Bổn, con kinh đào lấy đất đắp con lộ Liên tỉnh số 9 thuộc thành phố Long xuyên, An Giang. Tuổi thơ của tôi gắn liền với con kinh này, hàng ngày chỉ chơi quanh quẩn trên mảnh sân rộng trước nhà. Tấm ảnh cỡi truồng cởi con ngựa gỗ lắc lư, đã úa vàng, là hình ảnh duy nhất về tuổi thơ mà tôi còn giử được.
Cuộc chiến tranh lan rộng khắp cả nước nhưng Long Xuyên vẫn thanh thản êm đềm. Năm 1968, tôi đang học lớp đệ nhất. Sau khi đậu Tú Tài hai, tôi xin cùng Thầy Chánh Đại diện miền và cũng là Thầy Bổn Sư dạy giờ tại Trường Trung Học Bồ Đề, gởi tôi xuống chùa Khánh Quang tại Cần Thơ để có nơi ăn ngủ và theo học tại đại học Cần Thơ. Sinh hoạt cùng Gia Đình Phật Tử từ bé, nay lại ở chùa, ngày đi học, tối tụng kinh bái sám cùng quý Thầy … cái duyên với chùa chiền là thế. Vì luôn băn khoăn không phụ giúp được gì cho cha mẹ để lo cho các em nên tôi đã thi vào Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, vừa được học bốn năm đại học vừa có lương để phụ giúp gia đình. Đó là thực tế của tôi, không màu mè gì hết.
Suốt bốn năm dài tại Dalat, tôi chưa một lần được gọi tên thăm viếng vào mỗi chiều cuối tuần như các bạn đồng khoá. Niềm vui duy nhất của tôi là vùi đầu vào việc học, mỗi tháng mua chi phiếu gởi tiền về cho gia đình cũng là một hạnh phúc lớn lao, tiền lương chỉ dành lại chút ít nên không đi phố, không cà phê thuốc lá, cũng không ký sổ nợ nơi hội quán hay các phòng văn khang.
Lên năm thứ ba , tôi cùng NT Huỳnh Bá K 24 liên hệ con em các trại gia binh Miếu Tiên Sư và Tôn Thất Lễ thành lập Gia Đình Phật Tử Câunala, sinh hoạt hàng tuần cùng với các SVSQ Phật Tử thuộc các khoá 25, 26, 27 và 28. Ngày mãn khóa , các em đã tổ chức trại tiển đưa, và nickname Châu Sadi hay Ni cô đặt cho tôi cũng ra đời từ đó.
Khóa 25 về binh chủng Hải Quân đều được đưa xuống các chiến hạm, không có đơn vị bờ. Tôi về HQ505, Dương Vận Hạm Nha Trang. Nhiệm sở đầu tiên là Sĩ quan Ẩm thực lo việc ăn uống và binh lương cho cả chiến hạm, phụ tá có hai Trung sĩ phụ trách Kế toán và Tiếp vụ. Hơn sáu tháng sau được làm Sĩ quan Đương Phiên, có thể đảm nhận trách nhiệm một ca trực hải hành. Tháng 3 năm 1975 tôi rời chiến hạm , thuyên chuyển về Bộ Tư Lệnh Hải quân, Phòng Điều huấn, phụ trách Ban Huấn luyện Chuyên nghiệp Hạ Sĩ quan cho đến ngày mất nước.
Năm 1980 được ra khỏi trại tù, tôi cảm nhận ra rằng mình đang ở trong một nhà tù lớn hơn, nhất là khi tôi trở về quê ở vùng Láng Linh Kinh xáng Vịnh Tre, là nơi khởi thuỷ của Phật giáo Hòa Hảo. Mười sáu tháng quản chế trôi qua, tôi mới được phép đi lại bình thường, dù phải xin phép tạm vắng tạm trú mỗi nửa tháng một lần, vì tôi cần phải rời xa Long xuyên, để tìm đến ẩn náu với thằng em kế mở phòng vẽ bảng hiệu và quảng cáo ngay đầu lộ 19 thành phố Cần Thơ. Tôi ngày ngảy cầm cọ, tối trải giấy lót nền nhà làm chổ ngủ, tuy vậy cũng còn hơn một chú em khóa 29 tên Ngọc chạy xe đạp ôm, cũng không nhà cửa, tối ngủ vệ đường hay hiên nhà ngoài phố. Gặp nhau, hai anh em bù khú chuyện đất trời với chung một ly cà phê vĩa hè - gọi là chung vì chỉ hớp hơn một ngụm là hết. Nơi đây, thỉnh thoảng tôi cũng được gặp Lương Vinh, Nguyễn Phát Tấn . . .
Mười bốn năm sau, vào giữa năm 1994, tôi được định cư Hoa Kỳ theo diện HO. Nơi xứ người, trước những lạc lỏng xa lạ, tôi lại có một tập thể ấm cúng đón nhận tôi, đó là tập thể khóa 25 Võ Bị. Ngay ngày đầu tiên đến đất Mỹ, tôi gọi điện thoại cho bạn Trần Ngọc Tý thì chỉ mươi phút sau bạn đã đến tận nhà, đưa đi thăm anh em. Tất cả khóa 25 nơi vùng DC đã chào đón gia đình tôi trong tiệc trà thân mật tại nhà bạn Lưu Đức Tờ. Tôi đã xúc động không cầm được nước mắt khi nhìn thấy lại huy hiệu Trường Mẹ do bạn Tờ trao tặng. Phạm Hữu Tài đã đưa mình vào làm chung toán lắp đặt hệ thống máy lạnh cho các nhà mới xây, cuộc sống mới bắt đầu…
Sau khi trúng tuyển vào Bưu điện, cuộc sống ổn định hơn. Cuối tuần hai vợ chồng cùng sinh hoạt Hướng đạo với thằng con duy nhất. Thời gian trôi mau, gần bảy mươi năm cuộc đời trôi qua, giờ vui cùng bốn cháu nội, bà xã chăm sóc mảnh vườn nhà, câu kinh tiếng kệ trở nên quen thuộc. Muốn hát cho các bạn nghe dăm câu khi bóng chiều đã xuống :
Nhìn cuộc đời như khói sương, nhắc mình buông,
Nhìn cuộc đời như dép cỏ, nhắc mình bỏ.
Chuông mỏ, bỏ buông . . . Chuông mỏ, bỏ buông . . .
Đỗ Ngọc Châu K25