Khoá 25 (1968-1972) Quyết Chiến Tất Thắng

Testing ...

Friday, December 22, 2017

Thursday, December 21, 2017

Lê Đen đi thăm bạn Nguyễn phương Thuỵ

Hôm qua 18/12/17 bạn Lê Đen đã đến gia đình bạn Ng. Phương Thụy để thăm vợ chồng và các con của bạn ấy. Các bạn có nhận ra bạn Thụy không? Nay cũng già lắm rồi, bệnh nặng nữa,  nên nét mặt cũng khá thay đổi. 
Gửi ít tấm hình đến các bạn để chiêm ngưỡng dung nhan bạn Thụy. Chúc tất cả các bạn một mùa Noel vui vẻ, hạnh phúc Thân mến
NTH

Sunday, December 3, 2017

Đại Hội 50 Năm Tình Bạn: Thông Cáo Số 2



Ban tổ chức Đại Hội Khóa 25 kỷ niệm 50 năm ngày nhập trường xin thông báo :
1- Các địa điểm họp mặt 3 ngày Đại Hội :
       a.Tiền Đại Hội : tại 5872 Edinger Ave. Huntington Beach ,CA 92649
          Thời gian 05PM ngày 12 tháng 10/2018
       b. Picnic: Địa điểm Mile Square Par đường Edinger (khoảng giửa Ward và Euclide)
          Thời gian 09 AM ngày 13 tháng 10/2018
       c. Dạ tiệc: Paracel Seafood Restaurant 15583 Brookhurst St. Westminster ,CA 92683
2- Khách sạn : Đề nghị các anh chị K25 và gia đình cần khách sạn xin đặt phòng ở Khách sạn RAMADA PLAZA địa chỉ : 10022 Garden Grove Blvd. Garden Grove ,CA 92844. Điện thoại 714-534-1818. Hạn chót đặt phòng Sept. 01/2018. Nếu K25 đặt từ 10 phòng trở lên sẽ được giá hạ $90-$95/ngày.
3-Ban tổ chức sẽ gởi thiệp mời tham dự ĐH đến toàn thể anh chị K25 với đầy đủ chi tiết 3 ngày họp mặt và tour du ngoạn sau ĐH vào đầu năm 2018. Xin các anh chị ghi tên sớm sau khi nhận được thiệp mời.
4-Ban tổ chức ĐH khóa 25 năm 2018 quan niệm rằng đây sẽ là Đại Hội có ý nghĩa lớn lao và sâu sắc cho toàn thể cựu SVSQ khóa 25, do đó chúng tôi hết sức cố gắng bằng đủ mọi cách để  chúng ta có những ngày hội thật trang trọng nhưng thân tình đồng môn, không quên truyền thống của trường mẹ và đồng thời nêu cao sự đoàn kết sẳn có từ bao lâu nay.

TM/BTC Quan Minh Tấn

Thư ngỏ của ban tổ chức đại hội khóa 25 - 50 Năm Tình Bạn



Kính thưa các anh chị Khóa 25,
Gần nửa thế kỷ trước đây, đáp lời kêu gọi của Tổ quốc, Khóa 25 chúng ta đã từ giã cuộc đời dân chính để tình nguyện gia nhập quân đôi. Nhìn lại chặng đường đã qua, sau 4 năm rèn luyện dưới mái trường mẹ, từ đó, như đàn chim én, chúng ta đã tung bay khắp 4 vùng chiến thuật, rong ruổi trên khắp chiến trường,hải đảo,không phận của đất nước, cơ hội gặp nhau đầy đủ không phải dễ dàng. Thời gian một nửa thế kỷ ấy cũng khá dài và cũng đủ để chúng ta ngồi ôn lại những thăng trầm của vận nước,những chuyện hợp tan của thế sự và những vui buồn của đời binh nghiệp,nhất là sau khi bị rã ngũ tan hàng!
Để đánh dấu cọc mốc đó ,đại hội khóa 25 năm 2018 sẽ là dịp để chúng ta gặp gỡ,hàn huyên tâm sự,giải tỏa những khúc mắc của nhau hầu xiết chặt tình thân đồng môn,đồng khóa.Đây cũng là cơ hội cho chúng ta trân quý tình bạn Khóa 25 thiêng liêng vẫn trường tồn mãi, mặc cho sóng gió dập vùi ,mặc cho những thử thách chông gai !
Bằng tất cả những tình tự ấy,thật vinh dự cho Nam Cali nhận trách nhiệm tổ chức Đại Hội Khóa 25 năm 2018 và xin các anh chị cho phép chúng tôi đặt tên là "Đại Hội 50 năm tình bạn".
Đại hội sẽ diển ra 3 ngày cuối tuần vào tháng 10 năm tới trong điều kiện thời tiết tuyệt vời của Nam Cali và sẽ kết thúc bằng chuyến du ngoạn đầy hứng thú ở Tiểu bang lân cận.Chúng tôi sẽ không theo khuôn sáo cũ mà các đại hội trước đây đã có,mà sẽ tiến hành theo thủ tục nghi lễ đơn giản nhưng trang nghiêm.
Nam Cali mong muốn chúng ta sẽ có những ngày hội thật vui vẻ, đoàn kết và đậm tình thân thương ,để khi ra về mọi người ai cũng mang theo những hình ảnh đẹp mà chúng ta dành cho nhau.
Chi tiết chương trình đại hội"50 năm tình bạn"sẽ gởi tới anh chị trong một tương lai gần nhất.Cũng xin các anh chị đóng góp ý kiến sau khi chúng tôi phổ biến kế hoạch tổ chức đại hội.
Thay mặt ban tổ chức, chúng tôi tha thiết, mong mỏi tất cả các anh chị và gia đình trên toàn thế giới cùng hội tụ về Nam Cali để chúng ta có những ngày tuy ngắn ngủi nhưng không thể nào quên được vào lúc cuộc đời đang đi dần đến tuổi xế chiều. Hy vọng các anh chị không quản ngại xa xôi hay bận rộn hằng ngày ghi tên tham dự đại hội đông đủ và cũng mong các anh chị gác bỏ mọi bất đồng mà đến với nhau.Xin các anh chị quan niệm rằng đại hội năm 2018 là đại hội của khóa 25 mà Nam Cali chỉ là nơi gặp gỡ ,do đó mọi bàn tay góp sứ, từ tinh thần đến vật chất, của các anh chị sẽ là yếu tố quan trọng nhất giúp đại hội đạt được mục đích:thể hiện 50 năm tình bạn với nhau. Hảy chứng tỏ với các khóa đàn anh lẩn đàn em trường VBQGVN , chúng ta vẫn còn giữ nguyên vẹn tình đoàn kết bao lâu nay.
Một lần nửa trân trọng kính mời các anh chị Khóa 25 và gia đình tham dự đông đủ Đại hội năm 2018 đánh dấu 50 năm ngày nhập trường của anh em chúng ta.
                                        
TM Ban Tổ chức Đại hội ,
Cựu SVSQ Quan Minh Tấn

Hơn mười năm tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam


Nguyễn Bùi Thức 
Cựu Trưởng Khoa Khoa Học Xã Hội Khối Văn Hóa Vụ
 

Ðời lính 24 năm của tôi bao gồm gần 13 năm phục vụ tại các quân trường. 
Năm 1959 tôi được thuyên chuyển từ Phòng 3 Quân Ðoàn I về làm huấn luyện viên ban Tham Mưu taị Trường Ðại Học Quân Sự (đường Võ Tánh, Phú Nhuận). Qua năm 1964, sau thời gian học ở Ðaị học Văn khoa Saigon, tôi về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam làm giáo sư văn hoá vụ.Tôi đã phục vụ dưới quyền năm vị Chỉ Huy Trường là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Kiểm, Ðại tá Trần Văn Trung, Ðại Tá Ðỗ Ngọc Nhận, Trung tướng Lâm Quang Thi, Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ và bốn vị Văn Hoá Vụ Trưởng là Trung tá Ngô Văn Dzoanh, Hải quân Ðại tá Nguyễn Vân, Ðại tá Nguyễn Văn Huệ, Trung tá Nguyễn Phước Ưng Hiến.
Khi tôi mới về chương trình xây cất từ năm 1961 chưa hoàn tất. Bộ Chỉ Huy chưa xây xong. Văn phòng Chỉ Huy Trưởng còn ở trên lầu Nhà B, Văn phòng Văn Hoá Vụ Trưởng và Phòng Ðiều Hành VHV ở trên lầu nhà A. Sau mười năm nhà trường đã có thêm những cơ sở lớn mà các đại học bên ngoài mong ước như Nhà Thí Nghiệm Nặng, Nhà Văn Hoá Mới, Phòng Ấn Loát và Thư Viện. Giáo sư đoàn lúc đầu khoảng trên dưới ba chục người, không có phòng làm việc riêng, ngoài giờ dây chỉ tụ họp nhau tại một phòng dưới lầu nhà A. Tới năm 1972 thì Tổng số giáo sư đã lên tớí 160 người, các Trưởng khoa đã có văn phòng riêng và mỗi giáo sư cũng có một bàn làm việc tại Nhà Văn Hoá Mới, Nhà A, nhà H.
Chương trình giáo dục văn hóa từ 2 năm đã đổi thành 4 năm. Với tư cách là trưởng khoa tôi đã tham gia vào việc sửa đổi chương trình văn hoá nóí chung và các môn học về nhân văn xã hội nói riêng, nhất là các môn học có liên hệ với lich sử và văn hóa Việt Nam. Sử gia Ðại tá Phạm Văn Sơn đã được mời cộng tác trong việc biên soạn những bài quân sử Việt Nam qua các triều đại.
Tôi đã tham dự nhiều Lễ Truy Ðiệu rất xúc động và nhiều Lễ Mãn Khóa rất hào hùng tại Vũ đình trường Lê Lợi. Tôi đã nhìn thấy những tân sĩ quan hãnh diện mang quân phục cuả binh chủng Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Ðộng Quân, Lực Lượng Ðặc Biêt ngay sau lễ mãn khóa vì đã chọn được những đơn vị chiến đấu này. Tôi thấy hổ thẹn khi nhớ lại năm 1952 lúc ra trường tôi buồn vì không được chọn về các bộ tham mưu mà phải vào miền Trung theo đơn vị tác chiến. Tinh thần hăng say của các SVSQ sau những năm tháng được đào tạo tại TVBQGVN quả thật là phần thưởng xứng đáng cho tất cả những ai đã đóng góp vào việc huấn luyện. Tôi cảm thấy it nhiều an ủi khi nghĩ mình đã không trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường.
Tôi đã chứng kiến sự thăng trầm của TVBQGVN trong hơn mười năm. Tôi rất vui mừng trong ngày khánh thành Nhà Thi Nghiệm Ðào Thiện Yết, Nhà Văn Hóa Mớí, Thư Viên. Tôi không bao giờ quên nỗi xót xa khi được lênh chuẩn bị di tản. Trên đường rút lui tôi còn nghe thấy tiếng mìn nổ phá huỷ những cơ sở quan trọng của nhà trường. Với trách nhiệm xử lý thường vụ chức vụ Văn Hóa Vụ Trưởng tôi đã cùng các sĩ quan giáo sư VHV theo đoàn quân di chuyển khỏi Dalat. Trên đường di tản tôi đã thấy rõ tinh thần kỷ luật rất cao của các SVSQ. Tôi cũng nhận ra tình huynh đệ thiết tha khi thấy các cựu SVSQ với chức vụ Liên Ðoàn Trường Biệt Ðộng Quân và Thiết Ðoàn Trưởng Thiết Giáp đã điều động đơn vị của mình cùng hợp lực mở đường đưa "các cùi võ bị" đàn em về đến Bình Tuy an toàn. Tôi đã tham dự lễ mãn khoá "bất đắc dĩ" của hai khóa 28 và 29 tại Trường Bô Binh Long Thành, một lễ mãn khóa "bi thảm" nhất trong lịch của TVBQGVN. Tôi cũng đã có mặt tại Liên Trường Võ khoa Thủ Ðức khi Ðại Tá Lộ Công Danh nhận đươc công điện xử lý thường vụ Chức vụ Chỉ Huy Trưởng TVBQGVN. Nhưng tôi đã "may mắn" vắng mặt lúc Liên Ðoàn SVSQ thực sự tan rã vào ngày 29 tháng 4, may mắn vì không phải chứng kiến cảnh tan hàng quá đau đớn này.
Trong những năm tháng lưu đầy từ Nam ra Bắc sau này tôi đã ở chung trại với nhiều cựu SVSQ. Tôi lại thêm một lần nhận ra tình huynh đệ thắm thiêt giữa các khóa, đàn anh làm gương cho đàn em, đàn em thực tình kính trọng đàn anh.Tôi đã gặp lại những học trò cũ của mình và sung sướng hơn nữa khi thấy một vài cựu sinh viên các khóa trước khóa 20, những người không học với tôi, cũng thân mật gọi tôi bằng thầy. Tôi đã nói là chỉ xin nhận lời xưng hô này như một danh xưng nghề nghiệp. Khi bị giam ở Trại 6 Nghệ Tĩnh tôi đã viết một bài thơ dài trong đó có đoạn như sau:
Sư đệ tình xưa còn nghĩa nặng 
Áo thun, bánh sắn, nửa viên đường 
Dăm viên thuốc bệnh, câu thăm hỏi 
Ðiếu thuốc say nhiều ý xót thương

Xót thương cho thân phận tù đầy của cả thày lẫn trò. Xót thương cho cảnh nước mất nhà tan. Xót thương cho bạn bè đã ngã gục trong các trại tập trung từ Nam ra Bắc.

Ðời lính của tôi dài 24 năm. Kể từ ngày giã từ vũ khí cũng đã 24 năm qua. Tôi không thể nào quên những ngày làm việc ở TVBQGVN. Không những chỉ riêng tôi, người có hơn mười năm tại trường, mà ngay cả những bạn cũ của tôi, những sĩ quan trừ bị hoặc giáo sư dân chính chỉ làm việc tại đây trong một hai năm cũng vẫn không quên quãng ngày tươi đẹp đó nên chúng tôi đã họp nhau lại thành Gia Ðình Cựu Giáo Sư Văn Hoá Vụ có sinh hoạt thường xuyên.
Nếu tính từ khi được thuyên chuyển về TVBQGVN thì đã 35 năm qua. Tôi vẫn không quên được HƠN MƯỜI NĂM làm việc tại nơi mà các "cùi võ bị" thân thương gọi là Trường Mẹ. Kỷ niệm về sự tiếp xúc đầu tiên của tôi với SVSQ là môt đêm trực có nhiệm vụ dẫn SVSQ đi tuần bên ngoài vòng đai nhà trường. Mới về tôi chưa rành đường đi từ phía sau Phạn Xá SVSQ ra cổng Tôn Thất Lễ, đi vòng qua hồ Mê Linh về cổng Lý Thường Kiệt vào khu Quang Trung và trở về khu Lê Lợi. SVSQ toán trưởng đã dẫn tôi đi hơn là tôi dẫn anh em đi. Ngoài ra còn một kỷ niệm buồn đau không sao quên được.Trong thời gian SVSQ khoá 19 theo học lớp Rừng Núi Sình Lầy ở Dục Mỹ Nha Trang một tai nạn về mìn đã xẩy ra làm thìệt mạng ba hoặc bốn SVSQ tôi không nhớ rõ. Tôi là một trong số mấy sĩ quan cấp đại úy được cử đi Dục Mỹ nhận quan tài đem về Saigon để thân nhân làm lễ an táng. Về tới nơi tôi mới biết SVSQ xấu số Nguyễn Thế Long Trọng là cháu gọi tôi bằng chú họ. Lúc đó tôi không biết phải nói sao với bà chị họ mà đã lâu tôi không gặp.

Cuối năm 1998 khi đươc mời tham dự Lễ ra mắt Hội Cựu SVSQ-TVBQGVN San Diego tôi rất xúc động khi nghe Cựu sinh viên Vũ Xuân Thông Khóa 17 đọc bài chiêu hồn tử sĩ:

Chiến sĩ trân vong! 
Phút chốc! Liệt vị đã trở nên người thiên cổ 
Sự nghiệp đang công theo đuổi 
Thôi cũng đành gián đọan nửa đường 
Lúc quốc thù chưa gột rửa 
Chí làm trai chưa toại mộng hải hồ 
Thì hận tuyền đài làm sao ngăn được dòng huyết lệ? 
Chiến sĩ trận vong! 
Hãy trở về chứng giám 
Ngày mai đây, một đoàn trai sẽ hăm hở lên đường, 
Nối chí tiền nhân, làm tổ quốc non sông thêm tỏ rạng 
Chiến sĩ trận vong! 
Có linh thiêng hãy chỉ lối đưa đường. 
Hay nung nấu tâm can chúng tôi bằng ngọn lửa thiêng truyền thống.

Không khí của Lễ Truy Ðiệu như phảng phất đâu đây. Tôi tin rằng khi nghe được những lời chiêu hồn này tất cả những ai đã từng làm thầy hay làm trò tại TVBQGVN đều không khỏi bùi ngùi nhớ lại những tháng năm xưa và không khỏi xót xa nghĩ rằng quân trường cũ hịên nay đang nằm trong tay những người đã và đang đem lại đau thương cho nhân dân cả hai miền Nam Bắc Việt Nam. Ðoàn trai hăm hở ngày nào giờ đây trẻ nhất cũng đã vào tuổi "tri thiên mệnh". Những người già đã quá tuổi "cổ lai hi". Tất cả thiết tha mong cho "Tổ Quốc Non Sông thêm tỏ rạng" nhưng phải chăng giờ đây chỉ còn biết "mài kiếm dưới trăng"? Tôi xin tạm ngưng những dòng hoài niệm và thiết tha mong sao những Ðoàn Thanh Thiếu Niên Ða Hiệu sẽ được "chỉ lối đưa đường" để nối tiếp sự nghiệp cha ông đang còn dang dở. ​

Sách Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Theo Dòng Lịch Sử

Trân trọng thông báo cùng Quý Niên Trưởng và Các Bạn, (thuộc Làng Cùi 4027, Lâm Viên-Đà Lạt trên các diễn đàn tại hải ngoại)
Thi hành quyết định của Đại Hội Các Đại Diện Khóa vào ngày 20 tháng 5 năm 2017 tại San Jose v/v phát hành quyển sách TVBQGVN Theo Dòng Lịch Sử (TVBQGVN-TDLS), sau khi tham khảo với quý N/T Trưởng Ban BĐH-ĐDCK và Trưởng Ban Biên Soạn (TBBS), Ban Trị Sự (BTS) sẽ in và phát hành Sách TVBQGVN-TDLS với các chi tiết như sau:
1. Dự trù in 1000 bản, khổ lớn (8.5x11), bìa da Simili mạ vàng, dầy khoảng 800(+) trang, full color toàn bộ, gáy khâu chỉ và đóng keo, wrap cover in màu trên loại giấy đặc biệt.
2.Giá biểu: (Bao gồm Sách + Bưu phí):
                     - Tại Hoa Kỳ:     $40.00 Mỹ kim/quyển
                     - Các nơi khác: $50.00 Mỹ kim/quyển

3. Vì số lượng in có giới hạn, nên BTS sẽ dành ưu tiên cho quý CSVSQ đã ghi danh sớm.
4. Ngày phát hành Sách TVBQGVN-TDLS dự trù vào trung tuần tháng 12 năm 2017.
5. Để giúp BTS chuẩn bị việc phát hành sách được hoàn tất mỹ mãn cũng như có ngân khoản để chi phí cho việc ấn loát, kể từ ngày hôm nay, Thứ Năm ngày 10 tháng 8 năm 2017, chúng tôi bắt đầu nhận ghi danh và tiền mua sách theo những chi tiết cần thiết sau đây:
• Quý NT và các bạn đã ghi danh sớm (pre-order): Xin vui lòng cung cấp địa chỉ bưu điện mới nhất và ngân phiếu mua sách.
• Quý NT và các bạn chưa ghi danh sớm: xin vui lòng gửi thư order và ngân phiếu mua sách về cho CSVSQ Thủ quỹ Lê Thi K29 với những chi tiết cần thiết sau đây:
                    - Tên & Khóa
                    - Địa chỉ bưu điện
                    - Tổng số sách mua
                    - Tổng số tiền mua sách (Tổng số sách mua x $40.00)
                      Yểm trợ (nếu có)

6. Thư order sách và ngân phiếu xin gửi về địa chỉ:
                      CSVSQ Thủ Quỹ Lê Thi K29
                      180 Rawls Ct. San Jose, CA 95139 – USA

                   - Ghi trên chi phiếu: Thi Le
                   - Hay trả tiền qua Paypal: dalat29@sbcglobal.net
                   - Phần Memo xin ghi: Sách TVBQGVN-TDLS
7. Địa chỉ Liên lạc:
                  E-mails :
                                 - vobiquocgiavietnam@googlegroups.com
                                 -
dalat29@sbcglobal.net
                  Phone:     (408)578-6095

8. Mọi thắc mắc hay đóng góp ý kiến trong vấn đề ấn loát, phát hành hay yểm trợ tài chánh, xin liên lạc về Ban Trị Sự, Email: dalat25@yahoo.com, Tel. 281-639-0157.
Thưa quý N/T và các bạn,
Chúng ta vẫn thường tự hào về Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, ngôi trường đã một thời lừng danh Đông Nam Á với những truyền thống hào hùng và đã từng nổi danh là lò luyện thép, đã đào tạo những cấp chỉ huy tài hoa lẫy lừng, những chiến sĩ can trường dũng cảm.
Chúng ta, những người con của trường mẹ, không muốn những tài liệu, những hình ảnh của TVB-QGVN sẽ dần nhạt phai và quên lãng theo thời gian... Trong niềm tin đó, Ban Trị Sự ước mong sẽ được đón nhận sự tích cực yểm trợ của quý NT và các bạn trong công tác hết sức quan trọng này.
Trân trọng kính chào,

CSVSQ Nguyễn Xuân Thắng K25
Trưởng Ban Trị Sự, Sách TVBQGVN-TDLS

Hình Xưa: Đại Hội 45 Năm Tình Bạn tại Houston, Texas USA

Bạn Lê trọng Nghiã & Nguyễn thúc Hàm đi thăm bạn Trần văn Bình

Lê T. Nghiã & Bình
Nguyễn T. Hàm & Bình

Anh Chị Lê Tùng thăm Seattle

Trong những ngày qua K25 Seattle được hân hạnh đón tiếp Ac Lê Tùng về thăm. K25 chúng tôi: Cẩn- Hợi-Tịnh-Thành-chị Nguyễn Trí Hùng cảm ơn Ac chị Hà Xuân Lộc thay mặt chúng tôi săn sóc anh chị LT chu đáo. Nhân dịp nầy anh chị Tùng có đến thăm bạn Tăng Thành ngưới bạn bị bệnh nan y lâu ngày nhưng đã kiên cường chiến đấu với bệnh tật. Theo Tăng Thành cho biết sắp tới đây phải đi vào giai đoạn xạ trị vì những loại thuốc xài từ trước nay không còn hiệu nghiệm nữa, kích cở những cái bướu theo thời gian đã to dần ra đang đe doạ anh. Tuy vậy Tăng Thành cũng rất vui khi chúng tôi cùng người bạn phương xa đến thăm. Bạn Thành vẫn lạc qua và yêu đời chuyện gì đế sẽ đến, sống hoà bình với bệnh tật, chập nhận và vui vẻ.
K25 Seattle

 Từ trái: anh chị Lộc, anh chị Tùng, bác Cẩn, anh chị Hợi và bác Vương Tịnh
Từ trái: Bác Tùng, Bác Tịnh, anh chị Tăng Thành, chị Tịnh, chị Lộc & chị Tùng

Cái Mặt


Con người có cái mặt là quan trọng nhứt

Thật vậy, nếu lấy cái mặt bỏ đi, tất cả những gì còn lại trên thân thể sẽ không dùng vào đâu được hết và cũng không còn tồn tại được nữa. Không có mũi để thở, không có miệng để ăn… Con người không có cái mặt là kể như “tiêu tùng”!
Trước khi “đào sâu” cái mặt, xin mở dấu ngoặc ở đây để “vinh danh” tiếng Việt : phần lớn những gì nằm trên cái mặt đều bắt đầu bằng chữ  “m”, trên thế giới chưa có thứ tiếng nào như vậy hết ! Đây, nhìn coi: trên mặt có mắt, mũi, miệng (mồm), má.
Ở “mắt” có mày, có mi, có mí mắt, rồi mắt mụp, mắt mọng nước, mắt mơ màng, mắt mơ mộng, mắt mờ, mắt mù… Qua tới “mũi”, ngoài  “mùi ” ra không thấy chữ “m” nào khác dính vào. Có lẽ tại vì cái mũi nó… cứng khư, không… linh hoạt. 
Ấy vậy mà nó – cái mũi – và “chân mày” (cũng kém linh hoạt như cái mũi !) lại được đi kèm với cái mặt để… hỗ trợ cho tiếng “mặt”, trong từ ngữ thông thường: “mặt mũi”, “mặt mày”, làm như nếu nói “mặt” không, phát âm nghe… trơn lùi, nhẹ hều không lọt lỗ tai! Cho nên người ta nói “mặt mũi bơ phờ” , “mặt mày hốc hác”, chớ ít nghe “mặt bơ phờ, mặt hốc hác”. 
Bây giờ tới “miệng”, thì có môi, có mép, rồi mồm mép, môi miếng, miệng méo, miệng móm, mím môi, mếu máo, mấp máy, bú mớm, mút mấp…
Đến “má”  thì ngoài “mụt mụn” chỉ có “mi một cái” là còn thấy chữ “m” nhè nhẹ phất phơ… Tiếng Việt hay quá! 
Trở về với cái mặt. Ông Trời, khi tạo ra con người, ban cho cái mặt là một ân huệ lớn. Nhờ có cái mặt mà con người nhận ra nhau, chồng nhận ra vợ, con nhận ra cha, biết ai là bạn ai là thù v.v… Thử tưởng tượng một ngày nào đó bỗng nhiên không ai còn cái mặt nữa. Nếu có sống được nhờ một sự nhiệm mầu nào đó, thử hỏi con người lấy gì để nhận diện nhau? 
Chồng vợ, cha con, bạn thù gì đều… xà ngầu. Vậy là loạn đứt!
Cho nên xưa nay, người ta coi trọng cái mặt lắm. Có người còn nói:  “Thà chịu mất mạng chớ không bao giờ để cho mất mặt”!
Vì vậy, rủi có ai lỡ lời chạm tự ái một người nào thì người đó thấy bị… mất mặt,  liền đưa một nắm tay lên hăm he: “Thằng đó, bộ nó giỡn mặt tao hả? Tao phải dằn mặt nó một lần cho nó biết mặt tao”.
Rồi, bởi vì cái mặt nó… nặng ký như vậy cho nên khi nói về một người nào, người ta chỉ nhắm ngay vào cái mặt của người đó để mà nói. Nếu ghét thì gọi “cái bản mặt” (Cái mặt mà như tấm bảng thì thiệt tình thấy chán quá! Thường nghe nói : “Cái bản mặt thằng đó tao coi hổng vô!”. Nếu hơi khinh miệt thì gọi  “cái bộ mặt” ( “Thằng này có bộ mặt ăn cướp !” ). Còn khi thương thì cái mặt trở thành “cái gương mặt”( “Em có gương mặt đẹp như trăng rằm !” ). 
Chưa hết ! Khi nổi giận muốn… hộc máu, người ta cũng chỉ nhắm vào cái mặt của đối thủ chớ không chỗ nào khác để “dộng một đạp” hay “cho một dao” hay “phơ một phát” hay…“tạt một lon ác-xít”! Bởi vậy, xưa nay những người có “nợ máu” lúc nào cũng sợ bị “nhìn mặt trả thù”, và hồi thời chống Pháp, những điềm chỉ viên đi nhìn mặt “quân phản loạn” đều lấy bao bố trùm đầu để giấu mặt! 
Con người, khi nhìn người khác, lúc nào cũng bắt đầu ở cái mặt (Chỉ có người không… bình thường mới nhìn người khác
bắt đầu ở cái chân hay cái bụng hay cái lưng!)  Ở đó - ở cái mặt – ngoài cái đẹp cái xấu ra, còn hiện lên “cái mặt bên trong” của con người. Các nhà văn gọi là “nét mặt”, nghe … trừu tượng nhưng suy cho kỹ nó rất đúng.
Bởi vì chỉ có cái mặt là... vẽ được cái nội tâm của con người thật đầy đủ. Cho nên mới có câu: “Xem mặt mà bắt hình dong” (hình dong ở đây là cái hình dong giấu kín bên trong con người). Cho nên, trên sòng bài, các con bạc thường “bắt gân mặt” nhau để đoán nước bài của đối thủ.
Cho nên mấy “giáo sư chiêm tinh gia” lúc nào cũng liếc sơ cái mặt của thân chủ trước khi nâng bàn tay lên xem chỉ tay, để... định mức coi “thằng cha này nó sẽ tin mấy phần trăm những gì mình nói ”! Thì ra, đời người không nằm trong lòng bàn tay như mấy “thầy” đó nói, mà nó nằm ngay trên nét mặt!
Cũng bởi vì cái mặt nó… phản động như vậy cho nên các “đỉnh cao trí tuệ của ta” đã nâng cao cảnh giác, ẩn mặt một cách... an toàn suốt giai đoạn đấu tranh “chìm” và chỉ “xuất đầu lộ diện” khi toàn dân đã vùng lên nổi dậy.Và các“đồng chí vĩ đại của ta”... thay tên đổi mặt lia chia để đánh lạc hướng kẻ địch, nay để râu mai thay tóc mốt cạo đầu v v …
Họ ôm khư khư cái mặt để... quản lý nó từng giây từng phút, chỉ sợ nó để lòi ra cái mặt thật nhét giấu ở bên trong, riết rồi nó xơ cứng như mặt bằng đất. Đến nỗi vào bàn hội nghị quốc tế, các đối tượng không làm sao “bắt gân mặt” để “đi”  một nước bài cho ngoạn mục!
Ở đây, phải nói thêm cho rõ là cho dù trong nội bộ với nhau – nghĩa là giữa “ta” và “ta” - cái mặt vẫn bị quản lý y chang như vậy, bởi vì hành động đó đã biến thành “bản năng” từ khuya. 
Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi thấy, sau hội nghị,  mới “ôm hôn nhau thắm thiết tình đồng chí” mà trên đường về lại khu bộ có cán bộ đã bị “bùm” hay bị “cho xe rơi xuống hố” một cách rất… bài bản, để lại niềm “vô cùng thương tiếc” nằm trên vòng hoa phúng điếu của người đã ra lịnh hạ thủ! 
Có khi, chính “đồng chí”  này là người thay mặt tập thể, đứng ra… rớt nước mắt đọc điếu văn! Ở đây, ông bà mình nói:“Phải muối mặt mới làm được như vậy”.Thật là chí lý! Cái mặt đã muối rồi thì đâu còn sợ… bị thúi hay bị sình! Ta cứ tỉnh bơ thôi!
Bởi cái mặt nó phản ảnh con người nên hát bội mới “dặm mặt” sao cho đúng với cái “vai”. Để khi bước ra sân khấu, khán giả nhận ra ngay “thằng trung, thằng nịnh, thằng hiền, thằng dữ”… v v. Ngoài đời không có ai dặm mặt, nhưng vẫn được người khác “nhận diện” là: thằng mặt gà mái, thằng mặt có cô hồn, thằng mặt… mẹt, mặt mâm, mặt thớt, mặt hãm tài, mặt đưa đám, mặt trù cha hại mẹ, mặt… mo … v v.
Sau tháng tư 1975, người dân miền Nam đã được Nhà Nước “vẽ lọ bôi hề” thành những khuôn mặt... không giống ai, để đóng vai “nhân dân làm chủ” trên sân khấu cách mạng, trong vở trường kịch “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”…
Trên sân khấu chánh trị Việt Nam bây giờ, trong cũng như ngoài nước, “đào kép” tuy không dặm mặt như nghệ sĩ hát bội nhưng mỗi người đều có “lận lưng” vài cái mặt nạ, để tùy hoàn cảnh, tùy đối tượng mà đeo lên cho người ta “thấy mình là ai” (dĩ nhiên không phải là cái mặt thật của mình.
Rồi cũng “phùng mang trợn mắt hát hò inh ỏi” một cách rất… tròn vai, làm “bà con đồng bào, đồng chí, đồng hương” cứ thấy như thiệt ! Điểm đặc biệt là ông nào bà nào cũng muốn thiên hạ chỉ nhìn thấy có “cái mặt của mình” trong đám bộ mặt đang múa may quay cuồng trên sân khấu. 
Vì vậy, họ phải rán bơm cho cái mặt của mình to bằng... cái nia, để thấy họ mới đúng là...“đại diện”! Chẳng qua là họ muốn tạo thời cơ để kiếm cho cái… đít của họ một cái… ghế! Đến đây thì vở tuồng trên sân khấu đang chuyển sang lớp “gà nhà bôi mặt đá nhau” ... Cái mặt đã trở thành “một vấn đề”!
Để chấm dứt bài này, và để được yên thân, xin phép độc giả cho tôi “vác cái mặt của tôi đi chỗ khác”!
 
 Tiểu Tử