Hôm nay là thứ Tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024, ngày mai sẽ là ngày lễ
Thanksgiving (lễ Tạ Ơn), ngày gia đình đoàn tụ bên bữa ăn truyền thống của
người dân Hoa Kỳ, và cùng nhớ lại lịch sử của những người di dân đầu tiên vào
vùng đất mới này. Đồng thời không quên nhắc lại những giúp đỡ của thổ dân địa
phương, vào thời bấy giờ.
Chúng ta, những người Việt Nam tị nạn công sản, nên ngày lễ Tạ Ơn này lại càng
có ý nghĩa hơn.
Nhớ ngày nào, chân ướt chân ráo, đặt chân lên miền đất này với đôi bàn tay
trắng và ngôn ngữ bất đồng, cùng với phong tục xa lạ. Thế nhưng, với vòng tay
rộng mở của người dân Hoa Kỳ, chúng ta đã có dịp lập lại từ đầu cho một cuộc
sống mới, trên một quốc gia trù phú và an lành. Xin cảm ơn chính phủ và người
dân Hoa Kỳ. Qua thời gian, chúng ta đã cố gắng vươn lên và đền đáp lại sự giúp
đỡ ban đầu đó.
Ông bà ta có câu "Một miếng khi đói, bằng một gói khi no" khiến tôi nhớ lại câu chuyện "Bát Cơm Phiếu Mẫu". Một câu chuyện về Hàn
Tín, một nhân vật từ thời cổ đại của Trung Hoa, hơn 200 năm trước Tây Lịch,
người đã giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán, và sau đó được phong làm Sở
Vương.
Câu chuyện kể rằng, Hàn Tín là cậu bé sớm mồ côi nên có tuổi thơ cơ cực, kiếm
sống bằng nghề đi câu cá ở sông Hoài để kiếm ăn qua ngày. Mùa đông rét mướt,
không câu được nên rất đói khổ. Tuy vậy Hàn Tín lại mê đèn sách, nghiên cứu
binh thư nên thường đeo kiếm như con nhà võ.
Gần bên, có bà già sống bằng nghề giặt đồ thuê, cũng thiếu trước hụt sau
nhưng thương tình cậu bé đói khát nên thường chia cơm cho Hàn Tín ăn cùng. Tín
lấy làm cảm tạ mà nói rằng:
"Tôi ngày sau công thành danh toại sẽ xin báo đáp".
Bà già hiền hậu trả lời:
"Thấy ngươi đói khát nên ta chia sẻ miếng cơm giọt nước, mong gì báo đáp.
Mà thanh niên như ngươi, miếng cơm không có mà ăn thì nói gì quyền cao chức
trọng ngày sau".
Hàn Tín lấy làm hổ thẹn mà không dám qua nhà bà già ăn cơm nữa, nhưng bà già
đôn hậu thương người cùng khổ, nên hàng ngày vẫn đặt cơm trước lều của Hàn
Tín. Người trong thôn biết chuyện thường gọi đó là "Bát cơm Phiếu Mẫu".
Trong từ ngữ Hán-Việt thì
Phiếu (顠) Người già, tóc bạc
Mẫu (母) Người Mẹ
Ngày sau Hàn Tín phò tá Lưu Bang lập nên cơ nghiệp thống nhất thiên hạ. Ông
được phong tước hầu, sau được về quê cũ cai trị, và được phong làm Sở Vương.
Khi về quê ông lập tức cho người đi tìm Phiếu Mẫu và sai người lấy ngàn
lượng vàng thưởng cho Phiếu Mẫu để đền ơn ngày xưa. Từ sự tích này mới có
các thành ngữ "Bát cơm Phiếu Mẫu" và "Nhất phạn thiên kim" (Bát cơm đáng giá ngàn vàng).
Với chúng ta, những người xuất thân từ Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, thì "bát cơm Phạn Xá" xem ra cũng chẳng kém gì "bát cơm Phiếu Mẫu". Và như thế có thể gọi
là "bát cơm của Trường Mẹ." Chỉ đáng tiếc là chúng ta không có dịp để
đạt công danh, và báo đáp bát cơm ấy. Tuy rằng cũng có không ít người con của
Trường Mẹ đã đem mạng sống đáp đền.
Mấy hôm nay, trên diễn đàn của Trường Mẹ có những thư từ qua lại, nhắc đến
chuyện xưa, những "danh nhân" hay "phiếu mẫu" tân thời, của một thuở trên ngọn
đồi 1515 của thành phố mù sương Đà Lạt, nơi mà các
"Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo nghiệp đao cung."
Những cái tên như chị Chúc, chị Mệt, ông già Vĩnh Xương ... thì cho dù
không phải là "danh nhân" hay "phiếu mẫu", nhưng cũng để lại trong ký ức của
các Cựu Sinh Viên Sĩ Quan (CSVSQ) của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam
(TVBQGVN), những kỷ niệm đẹp đẽ, khó phai mờ.
Cái thuở SVSQ, ngoài "bát cơm Phạn Xá", cùng với những "danh nhân" và "phiếu
mẫu" ở trên, còn có câu lạc bộ Nhữ Văn Hải, nơi mà các thanh niên trong tuổi
xung sức, thập luyện hàng ngày, cần có thêm thực phẩm ngon miệng khác để bồi
bổ cơ thể. Tuy nhiên, đồng lương quân trường không to bằng cái bụng của Sinh
Viên, thế cho nên phải áp dụng phương pháp "ăn trước, trả sau" hay nôm na là
"ăn xong, ký sổ". Xem ra thì các "danh nhân" và "phiếu mẫu" nhắc đến ở trên là
những nhân vật tiên phong đã phát minh ra "sổ tín dụng" hay "credit cards" ở
Việt Nam. Rất tiếc, quốc gia của chúng ta quá nhỏ bé và lúc bấy giờ đang thuở
chiên tranh, nên ngân hàng thế giới không biết đến để ghi danh họ.
Thông thường thì những tháng trước khi mãn khoá thì các SVSQ vẫn được "nhắc
nhở" là cần thanh toán tất cả các khoản nợ nần ở trong lẫn ngoài trường. Thế
nhưng, cũng có những chàng "ham vui quên cả nợ nần." Nên sau đó giật mình nghĩ lại
thì cũng cảm thấy ít nhiều ân hận. Đồng thời cũng thầm cảm ơn các "chủ nợ" đã không "níu áo, đuổi cùng, bám sát" để đòi nợ tiền. Còn các món nợ nào khác nữa thì
chỉ có "con nợ" và "chủ nợ" biết, chứ người ngoài làm sao biết được.
Mấy hôm nay, trong thư từ qua lại trên diễn đàn, có nhắc đến các "danh nhân",
"phiếu mẫu và "Câu Lạc Bộ Nhữ văn Hải", thì tôi lại giật mình, nhớ ra là có lẽ
tôi cũng chưa trả hết nợ cho họ.
Mẹ ơi con mẹ đã già
Ra trường còn nợ vậy mà "dông" luôn.
Ôi, nhắc lại những kỷ niệm của Trường Mẹ mà lòng không khỏi bồi hồi, nhớ
thương.
Có thương thì cũng có ghét. Tôi ghét nhất là anh "lính kèn". Mẹ bà, sáng sớm
trời lạnh teo "bu-gi" mà anh ta thì cứ gân cổ lên mà thổi kèn giục dậy để chạy
sáng.
Nhớ nhất là Niên Trưởng Trần Khánh Dư, người mà K25 đặt cho danh hiệu "Hiền
Thần Thiếu tá Dzù". Tuy Niên Trưởng không còn nữa, nhưng tôi vẫn chưa quên lời
gọi của ông, khi cố lùa mấy thằng trốn chạy sáng: "Sinh viên Thành đừng chạy, tôi thấy dzồi ..." Nghe vậy, nhưng sinh viên Thành vẫn chạy, và cuối cùng thì cũng phải
nhập vào đội hình chạy sáng.
Càng nghĩ càng thương Niên Trưởng Dư, và càng "ghét" cái anh lính kèn hồi đó.
Chuyện xưa như vậy, mấy ai còn nhớ? Bắt chước cụ Nguyễn Du mà viết hai câu:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân tri tích xưa.
Tạm dịch là
Ba trăm năm nữa về sau
Có ai còn nhớ những câu chuyện này.
Nhân dịp nhận được thư của bạn Nguyễn Xuân Thắng, nhắc lại kỷ niệm xưa, nên
tôi xin đem cả vào đây, gọi là "gợi giấc mơ xưa"
Để nhớ về Chị Mệt ... Mỗi năm cứ đến Picnic Hè của Hội VB Houston là
các chị K25 ở đây ủng hộ cho hội một cửa hàng "Bánh Mì Chị Mệt". Bánh mì lẽ
dỉ nhiên là thơm ngon và "chất lượng" hơn ổ bánh mì của chị Mệt năm nào - vì
đầu bếp được mướn từ Lee Sandwich!!... - Đặc biệt là bánh mì chị Mệt ở
Houston ăn miễn phí - Ăn tự do bao bụng - không tiền bạc hay ghi sổ
sách như ngày nào trên trường - và đặc biệt hơn nữa nếu có khách đông &
ăn nhiều, mấy chị K25 không Mệt mà còn Mừng thêm nữa...😀
Vài tấm hình về cửa hàng BÁNH MÌ CHỊ MỆT của K25 Houston
Bùi Phạm Thành
Ngày 27 tháng 11 năm 2024