Khoá 25 (1968-1972) Quyết Chiến Tất Thắng

Testing ...

Tuesday, July 15, 2025

Nói Chuyện Với AI: Dinh Dưỡng Cho Người Lớn Tuổi


Trong thời đại "máy khôn hơn người", chúng ta thường nghe đến hai chữ AI (Artificial Intelligence - Trí Tuệ Nhân Tạo). Trên thực tế, đây là một hệ thống dữ kiện rất rộng lớn, được các trung tâm lưu trữ dữ kiện, như Google, thu thập từ nhiều năm qua, nay được hệ thống hoá để trả lời những câu hỏi của con người dựa theo những từ ngữ nhất định (key words), chứ không thể suy nghĩ như con người. Tuy nhiên, bởi máy có nhiều dữ liệu (data), nên đôi khi có vẻ "thông minh" hơn người. Vả lại, máy có vận tốc nhanh hơn trí suy xét của con người, nên chỉ cần một vài giây là có câu trả lời, trong khi con người, nếu biết, thì cũng cần, ít ra, vài phút để có thể trả lời.

Để thử xem máy thông minh như thế nào, chúng tôi hỏi Google AI về dinh dưỡng cho người lớn tuổi xem máy có nhiều dữ kiện hơn những gì chúng tôi đã tìm hiểu trong nhiều ngày qua hay không? Theo nhận xét của cá nhân chúng tôi, thì máy cũng chỉ biết giống như những gì chúng tôi đã tìm ra. Chỉ có cái khác là chúng tôi tự tìm kiếm thì mất vài ngày, còn hỏi AI thì chỉ mất vài giây. Và rồi, mình (con người) cũng phải suy nghĩ để cân nhắc sự chính xác hay hợp lý của câu trả lời. Bởi vì AI rất khôn, sau mỗi câu trả lời đều kèm theo câu cuối "AI responses may include mistakes." đại ý là "Câu trả lời của AI có thể kèm theo những sai lầm." Bởi vì, như đã nói ở trên, AI chỉ là một kho dữ kiện, thu thập từ nhiều nguồn, có thể đúng, có thể thiếu xót, và cũng có thể không đúng hẳn.

Nơi đây, xin mời quý vị theo dõi cuộc "Hỏi/Đáp" giữa chúng tôi và Google AI về đề tài "Dinh Dưỡng Cho Người Lớn Tuổi." Nhìn tổng quát thì rất thú vị, tuy nhiên AI không đi sâu vào chi tiết như những trang web chuyên về dinh dưỡng của chính phủ cũng như của một số trường đại học.

Cuộc "Hỏi/Đáp" này được thực hiện bằng tiếng Anh, và do chúng tôi chuyển qua Việt ngữ trong bài viết này.

Điều cần lưu ý là: Những câu "Hỏi/Đáp" dưới đây chỉ là hiểu biết thông thường, qua sự thu góp dữ kiện của máy móc (AI), KHÔNG phải là lời khuyên của những chuyên gia về dinh dưỡng hay bác sĩ. Những câu trả lời của AI chỉ có ý nghĩa tổng quát, và không thể áp dụng cho tất cả mọi người.

Xin mời quý vị bấm vào câu hỏi thì sẽ đọc được câu trả lời của AI. Phần chữ nghiêng, màu xanh, là do chúng tôi thêm vào.

HỎI: Nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt của người lớn tuổi là gì?
ĐÁP: Khi người ta già đi, nhu cầu dinh dưỡng của họ thay đổi do nhiều yếu tố như thể chất, xã hội và văn hóa. Người lớn tuổi nên tập trung vào việc tiêu thụ thực phẩm giàu dinh dưỡng, trong khi kiểm soát lượng calorie nạp vào, vì hoạt động của họ có thể giảm đi hoặc chậm lại. Thế cho nên số lượng calorie nạp vào cũng cần phải thay đổi. Các chất dinh dưỡng chính cần ưu tiên bao gồm protein, calcium, vitamin D, vitamin B và chất xơ.
HỎI: Một số tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng thường gặp ở người lớn tuổi là gì?
ĐÁP: Những thiếu hụt về dinh dưỡng thông thường bao gồm vitamin D, calcium, magnesium, vitamin B (đặc biệt là B12), sắt, kẽm và vitamin C. Những thiếu hụt này có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như rỗng xương, suy giảm nhận thức và mệt mỏi.
HỎI: Tại sao những thiếu hụt dinh dưỡng này lại phổ biến hơn ở người lớn tuổi?
ĐÁP: Có vài yếu tố góp phần gây ra tình trạng này:
  • Sự suy giảm về lượng thức ăn nạp vào có thể là do chán ăn, thay đổi khẩu vị, vấn đề về răng hoặc khó nhai, khó nuốt.
  • Khả năng hấp thụ một số chất dinh dưỡng của cơ thể, chẳng hạn như vitamin B12, có thể giảm theo tuổi tác.
  • Một số loại thuốc có thể cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng hoặc làm tăng tình trạng mất nước. Nên tham khảo với Bác Sĩ về vấn đề này.
  • Cảm giác khát nước giảm có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
    Cơ thể của con người có từ 55% đến 78% là nước.
    Khoa học đã kiểm chứng rằng con người có thể sống sót vài tuần không có thực phẩm, nhưng không thể quá 4 ngày nếu thiếu nước.
HỎI: Nước quan trọng như thế nào đối với người lớn tuổi?
ĐÁP: Nước là thành phần thiết yếu cho sự sống. Tất cả các sinh vật sống, bao gồm con người, động vật và thực vật, đều phụ thuộc vào nước để tồn tại.

Nước rất quan trọng đối với nhiều cơ quan khác nhau ở người lớn tuổi, bao gồm sự yểm trợ cho hoạt động của não bộ, giúp đỡ bộ phận tiêu hóa và ngăn ngừa các biến chứng như nhiễm trùng đường tiểu và té ngã. Với người lớn tuổi, cảm giác khát nước bị giảm đi, thế cho nên phải chú ý nhiều về vấn đề này, và nên uống nước ngay cả khi không thấy khát.

Một phương pháp "nhắc nhở" tốt nhất là để sẵn mấy chai nước ở nơi dễ thấy nhất, và cố gắng uống hết trong ngày, ngay cả khi không cảm thấy khát. Điều quan trọng là nên tham khảo với bác sĩ xem bạn có mắc phải chứng bệnh "dư nước (phù thủng)" hay không?

Có câu hỏi rằng "Bia có thể dùng thay nước uống hay không?"
Câu trả lời là KHÔNG. Bởi vì bia có độ rượu, nên không thể dùng thay nước được.

Ngay cả nước ngọt (soda) và nước trái cây cũng không thể thay thế cho nước, vì có nhiều đường, một trong "TAM ĐỘC (Đường, Mỡ, Muối)".

Hơi buồn phải không quý vị?
HỎI: Uống bao nhiêu nước trong ngày thì được xem là đủ?
ĐÁP: Lượng nước uống trong ngày tuỳ thuộc vào giới tính, tuổi, hoạt động, và tình trạng sức khoẻ. Tuy nhiên, theo hướng dẫn chung, đối với hầu hết những người trưởng thành và khỏe mạnh, thì được khuyên số lượng nước uống hàng ngày là khoảng 15.5 cốc (3.7 lít), khoảng 7 chai nước nhỏ (16 oz) đối với nam giới và 11.5 cốc (2.7 lít), khoảng 5 chai nước nhỏ (16 oz) đối với nữ giới. Dĩ nhiên, nhu cầu của từng cá nhân có thể thay đổi tùy theo các yếu tố như mức độ hoạt động, khí hậu và sức khỏe tổng quát.

Theo kinh nghiệm cá nhân của chúng tôi thì số lượng nước như AI khuyên là hơi nhiều. Ngay cả khi có hoạt động thể thao nhẹ, như đi bộ hay làm vườn.

Điều quan trọng là "Hãy Lắng Nghe Cơ Thể Của Bạn", đừng đợi đến khi quá khát mới uống, nhất là khi thời tiết quá nóng hoặc hoạt động khiến ra nhiều mồ hôi. Thế cho nên có lời khuyên chung là "Khi bước ra khỏi nhà thì đừng quên mang theo chai nước."

Bởi vì "Thà có mà không dùng đến, còn hơn là khi cần dùng đến mà không có."
HỎI: Làm sao tôi có thể nhận biết các dấu hiệu mất nước ở người lớn tuổi?
ĐÁP: Các dấu hiệu về thiếu nước thường gặp như: khô miệng, lượng nước tiểu giảm hoặc đậm màu, mệt mỏi, chóng mặt, lú lẫn và hay bị chuột rút.
HỎI: Làm sao tôi có thể bảo đảm, hoặc biết được, là hấp thụ đủ chất dinh dưỡng khi lớn tuổi?
ĐÁP:
  • Dành ưu tiên cho các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng, giàu vitamin, khoáng chất và chất xơ, đồng thời lưu ý đến lượng calorie nạp vào.Quá nhiều calorie sẽ gây ra bệnh béo phì. Điều mà không mấy ai trong chúng ta muốn.
  • Tăng lượng protein từ các nguồn như thịt nạc, cá, trứng, sữa và các loại đậu, vì protein rất quan trọng để duy trì khối lượng bắp thịt. Người lớn tuổi cần chú ý rất nhiều về lượng protein nạp vào. Nên nhớ rằng thức ăn ở nhà hàng rất "khoái khẩu" vì có nhiều mỡ, đường và muối, ba thứ này có thể gọi là "TAM ĐỘC" về thực phẩm cho con người, nhất là với người lớn tuổi.
    TAM ĐỘC (Đường, Mỡ, Muối) là nguyên nhân chính cho bệnh "BA CAO" (Cao Đường, Cao Mỡ, Cao Máu).
  • Tăng lượng calcium và vitamin D, vì chúng rất quan trọng đối với sức khỏe của xương. Điều này có thể đạt được thông qua các sản phẩm từ sữa, thực phẩm tăng cường và bổ sung (như thuốc viên vitamin) nếu cần. Chúng ta nên tham khảo với Bác Sĩ để biết có nên uống thêm các loại vitamin bán ngoài thị trường hay không?
  • Tập trung vào chất xơ từ ngũ cốc nguyên hạt, trái cây, rau và đậu. Những thứ này giúp ích rất nhiều cho hệ thống tiêu hóa và kiểm soát lượng đường trong máu, cũng như cholesterol.
  • Bảo đảm đủ nước bằng cách uống nhiều chất lỏng trong suốt cả ngày. Nước, sữa và trà là những lựa chọn tốt.
    Lưu ý: Trà ở đây là trà thảo mộc (Herbal Tea) có nghĩa là trà không làm từ lá cây trà.

    Có lẽ cụ Tú Xương sẽ phải viết lại như thế này:

    "Một trà, một rượu, một đàn bà,
    Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
    Chừa được thứ nào hay thứ nấy,
    Có chăng chừa rượu, chừa đàn bà."
  • Hạn chế thực phẩm chế biến, đường bổ sung và muối, vì những thứ này có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe.
  • Tham khảo ý kiến Bác Sĩ để xác định xem việc bổ sung có phù hợp với bạn hay không, đặc biệt là các chất dinh dưỡng như B12, vitamin D và calcium.
HỎI: Về vấn đề protein, thì lời khuyên cho người lớn tuổi là ăn vào bao nhiêu thì đủ?
ĐÁP: Trong khi lời khuyên về lượng protein ăn vào hàng ngày là 0.8 gram trên mỗi kg của trọng lượng cơ thể, một số nghiên cứu cho thấy rằng lượng tiêu thụ 1.0–1.2 gram cho mỗi kg của trọng lượng cơ thể mỗi ngày có thể hiệu quả hơn trong việc duy trì khối lượng và sức mạnh của người lớn tuổi.

Điều này có nghĩa là lượng tiêu thụ (ăn vào) protein là 1/1000 của trọng lượng cơ thể.

Thí dụ: Đối với một người nặng 150 lbs (68 kg), lượng protein cần thiết mỗi ngày là khoảng 68 đến 82 gram (tương đương với 0.18 lb).

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng thì là một miếng thịt lớn khoảng bằng một cỗ bài hay ba ngón tay của người lớn. Với cá, hải sản hay thịt gà thì có thể gấp rưỡi hay gấp đôi. So với trứng thì tương đương với 2 quả. Nhiều hơn nữa thì xem ra có vẻ dư thừa, tạo thành mỡ dự trữ. Quá nhiều mỡ dự trữ sẽ gây bệnh béo phì.


Nếu bạn là người luyện tập thể thao, hoặc luyện tập bắp thịt, thì nên tham khảo với các nhà chuyên môn về dinh dưỡng hoặc bác sĩ về lượng protein cần thiết trong ngày.
HỎI: Làm sao để việc "ăn uống lành mạnh" trở nên dễ dàng hơn khi tôi bước vào tuổi già?
ĐÁP:
  • Lập chương trình cho các bữa ăn và đồ ăn nhẹ (snacks) lành mạnh trước để dễ dàng lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn.
  • Kết hợp các loại thực phẩm cung cấp nước, như dưa hấu và dưa chuột (dưa leo), vào các bữa ăn. Các món canh hay súp xem ra rất hữu ích cho việc cung cấp nước cho người lớn tuổi.
  • Làm cho bữa ăn trở nên thân thiện hơn, vì ăn cùng người khác có thể khiến bữa ăn trở nên thú vị hơn.
    Đây cũng là điều quan trọng cho người lớn tuổi: Không nên sống cô đơn. Việc giao tiếp với xã hội hay bạn hữu sẽ khiến cho cuộc sống thoải mái, vui tươi, và nhiều ý nghĩa hơn.
  • Cân nhắc về dịch vụ giao đồ ăn tận nhà hoặc dịch vụ giao đồ ăn chế biến sẵn, nếu không thể tự nấu nướng. Cần tham khảo kĩ lưỡng để tránh TAM ĐỘC (Mỡ, Đường, Muối). Nên cho họ biết về dị ứng và nhất là khi đã mắc vào các bệnh như tiểu đường, cao mỡ, cao máu ...
  • Chú ý đến an toàn thực phẩm, vì người lớn tuổi dễ mắc các bệnh do thực phẩm gây ra hơn. Thực hiện theo các hướng dẫn về an toàn thực phẩm khi lưu trữ và chế biến thực phẩm.
HỎI: Làm sao để thực hiện việc "Ăn uống lành mạnh" nhưng ít tốn kém?
ĐÁP: Hãy tập trung vào các loại thực phẩm nguyên chất, giàu dinh dưỡng như trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, có thể có giá cả phải chăng hơn các loại thức phẩm đã được chế biến. Mua sản phẩm theo mùa và cân nhắc các lựa chọn thực phẩm đông lạnh hoặc đóng hộp khi sản phẩm tươi quá đắt.

Điều chúng ta cần lưu ý là nên tự nấu ăn để có thể kiểm soát thực phẩm, và nhất là kiểm soát TAM ĐỘC (Mỡ, Đường, Muối).
HỎI: Và câu hỏi sau cùng là: "Người lớn tuổi nên ăn gì?"
ĐÁP:
  • Ăn nhiều loại thực phẩm: Hãy ăn những bữa đầy màu sắc với nhiều loại trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc và sữa ít chất béo.
  • Hạn chế "TAM ĐỘC": Giảm lượng thực phẩm có nhiều đường, chất béo bão hòa và muối. Tự nấu ăn để dễ kiểm soát các chất độc hại.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và tham gia hoạt động thể chất: Chế độ ăn uống lành mạnh kết hợp với tập thể dục có thể giúp duy trì khối lượng cơ bắp, sức mạnh và sức khỏe tổng quát.
  • Đọc nhãn thực phẩm: Nhận biết hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm đóng hộp, đặc biệt là nên để ý đến chất béo, đường, và muối.
  • Làm cho bữa ăn trở nên thú vị: Cân nhắc việc ăn cùng người khác, hoặc tham dự các bữa ăn cộng đồng để chống lại sự cô lập xã hội và cải thiện cảm giác thèm ăn.
  • Cân nhắc sử dụng thực phẩm bổ sung: Nếu chế độ ăn uống không đủ, hãy tham khảo với bác sĩ hay chuyên gia thực phẩm về vấn đề này.
Lưu ý: Điều quan trọng là nên tham khảo ý kiến với bác sĩ, để xác định nhu cầu dinh dưỡng cá nhân và chất bổ sung (vitamin) phù hợp, đặc biệt nếu bạn đang có bệnh lý, hoặc đang dùng thuốc.

Ăn đâu cho bằng ăn nhà,
Cơm, Canh, Gà, Cá ngon và bổ hơn.
Ít Mỡ, ít Muối, ít Đường,
Đậu, rau, củ, quả nên thường dùng thêm.
Lượng nước uống đủ, chớ quên,
Thêm chút thể dục, bệnh liền tránh xa.
Không sống cô độc trong nhà,
Giao tiếp xã hội ấy là sống vui.
Trăm năm ngắn ngủi cuộc đời,
Sống Vui, Sống Khoẻ, đồng thời Sống Lâu.

Chúc quý vị và các bạn có một cuộc sống an lành, mạnh khoẻ, luôn có những bữa ăn thật ngon và đầy đủ dinh dưỡng để "Sống Vui, Sống Khỏe, và Sống Lâu."

Bùi Phạm Thành
(Sưu tầm và biên soạn)